Theo thông tin trên trang công nghệ The Elec, Samsung và LG vẫn là nhà cung cấp màn hình OLED chính của Apple được sử dụng trên toàn bộ dòng sản phẩm iPhone 13. Ngoài ra, nhà sản xuất Trung Quốc BOE cũng đang nhắm đến việc giành được một số đơn đặt hàng. Màn hình cho mẫu iPhone 13 được cho là sản xuất "công nghệ phức tạp hơn" so với màn hình được sử dụng trong các mẫu iPhone 12.
Theo đó, 2 trong số 4 model iPhone ra mắt vào năm sau sẽ sử dụng tấm nền silic đa tinh thể nhiệt độ thấp (LTPO). Có thể, tấm nền này chỉ được dùng cho các model phiên bản Pro. Trong khi đó, tính năng màn hình always-on có thể gây ngốn pin cho iPhone nên không rõ Apple có sẵn sàng nâng cấp pin trên iPhone 13 hay không.
Công nghệ màn hình mới này giúp màn hình trên iPhone 13 có khả năng tự điều chỉnh bật tắt các phần điểm ảnh, qua đó giảm điện năng tiêu thụ. Việc ứng dụng công nghệ LTPO có thể giúp nhà sản xuất tăng tần số quét cho màn hình mà vẫn đảm bảo thời lượng pin.
Thông tin này trùng với tin rò rỉ từ nhà phân tích Ross Young. Hồi tháng 6, trong khi hầu hết các tin đồn đều cho rằng iPhone 12 sẽ có màn hình 120 Hz, Young phản bác và cho rằng, phải đến năm 2021, Apple mới mang màn hình tần số quét như vậy lên iPhone. Một số nguồn tin thân cận với Apple tiết lộ, hãng đã phải hy sinh tính năng hiển thị 120 Hz để bổ sung kết nối 5G, bởi cả hai đều ngốn pin. Việc ứng dụng màn hình LTPO có thể giúp Apple cải thiện điều này.
Nhiều khả năng, với việc trang bị màn hình công nghệ LTPO tiết kiệm năng lượng và một thỏi pin với dung lượng lớn hơn, iPhone 13 sẽ được trang bị tính năng Always On và màn hình tần số 120Hz, là những tính năng đã xuất hiện từ lâu trên smartphone chạy Android.