Hội An gấp rút chuẩn bị trùng tu di tích Chùa Cầu

(NTD) - Thành phố Hội An đang nhanh chóng xây dựng phương án trùng tu Chùa Cầu hoàn tất trước cuối tháng 10/2019 với kinh phí dự trù khoảng 15-20 tỷ đồng.

“Theo kế hoạch, trước ngày 31/10, Hội An sẽ trình tỉnh Quảng Nam phương án tu bổ Chùa Cầu. Sau đó, tỉnh sẽ trình Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch thẩm định” - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn trao đổi với Báo Người Tiêu Dùng.

Di tích Chùa Cầu hiện đón hơn 4.000 lượt khách tham quan mỗi ngày. Dịp lễ hội, con số này tăng lên rất nhiều, khiến di tích chịu áp lực lớn. Chính quyền Hội An đã điều tiết lượng khách thăm di tích này mỗi đợt không quá 20 người.

Chùa Cầu được các thương đoàn Nhật Bản làm ăn ở Hội An quyên tiền xây dựng vào thế kỷ 17. Chùa được trùng tu vào các năm 1817, 1865, 1915 và 1986 nên dần mất đi các yếu tố kiến trúc Nhật Bản và mang phong cách Việt - Trung nhiều hơn. Tháng 2/1990, Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Hiện Chùa Cầu đang bị xâm thực bởi kênh nước thải hôi thối bên dưới cầu và có nguy cơ bị lún nghiêng.

Kiến trúc cổ hơn 300 tuổi Chùa Cầu đang xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: Thế Sơn).

Trước đây, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An thực hiện cuộc khảo sát di tích đặc biệt nằm trong quần thể kiến trúc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Kết quả cho thấy: Ở phần thân cầu, tại nhiều vị trí liên kết giữa đòn tay đỡ mái với các cột bị mục. Nhiều thanh xà gỗ đỡ mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh không thể khớp nối nhau. Các phần mố trụ đỡ xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc vôi vữa. Kết cấu phần trên (thượng bộ) gồm phần cầu và miếu đang có độ tách rời nhỏ khoảng 10cm. Riêng phần mái nhiều chỗ đã bị dột nước, mưa thấm xuống làm ảnh hưởng đến các cấu kiện bằng gỗ của công trình.

Ở một số vị trí, nước mưa thấm vào phần mối nối, khiến gỗ bị ăn mòn, mục, loang rộng, nằm vênh ra. Trên tường vôi, không ít vị trí bị ố đen, vữa nứt loang lổ. Mặt cầu được làm bằng gỗ, do thường xuyên tiếp xúc giày dép của người qua lại nên bị mài mòn nghiêm trọng. Hệ thống chịu lực chính, quan trọng như móng, mố, trụ cũng đã bộc lộ sự xuống cấp thấy rõ.

Đặc biệt, những tác động từ bên ngoài như dòng chảy của nước và bão, lụt cùng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến di tích.

Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của di tích, chính quyền Quảng Nam đã sốt sắng lập dự án tu bổ khẩn cấp công trình này. Nhiều giải pháp được các chuyên gia của Nhật Bản và Việt Nam đưa ra nhưng vẫn chưa tìm ra được phương án tối ưu để trùng tu kiến trúc cổ của Hội An.

Tại buổi làm việc với UBND TP. Hội An về công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu di tích, di sản trên địa bàn thành phố nói chung và di tích Chùa Cầu nói riêng cuối tháng 6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân đã quyết định giao cho UBND TP. Hội An làm chủ đầu tư, khẩn trương chọn đơn vị tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm lập dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Chùa Cầu.

“Dự án phải giải quyết tổng thể các vấn đề liên quan đến chất lượng, độ bền vững, tính chân xác của di tích, sự quan tâm đặc biệt của người dân và du khách. Đặc biệt, Hội An cần mời các chuyên gia về công tác bảo tồn, tu bổ di tích trong và ngoài nước để tham vấn, lấy ý kiến. Từ đó, địa phương sẽ tổng hợp, đề xuất phương án, giải pháp tu bổ Chùa Cầu” - ông Tân nhấn mạnh.

Huỳnh Sơn

Nên đọc