Thực hiện “Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 830/QĐ-TTg, ngày 1/6/2021, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan tổ chức cuộc thi online “Học sinh với an toàn thông tin 2022” dành cho học sinh phổ thông cơ sở trên toàn quốc. Thời gian triển khai công tác tổ chức cho cuộc thi được bắt đầu từ tháng 6/2021 và kết thúc vào tháng 4/2022 (thời gian thi chính thức từ 3/3-24/3/2021).
Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng internet an toàn cho học sinh, phụ huynh học sinh trên cả nước; Tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy khả năng tư duy của học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng. Đây là lần đầu tiên Cuộc thi được VNISA chủ trì tổ chức và dự kiến sẽ được duy trì thường niên, trở thành một phần trong chuỗi hoạt động Ngày an toàn thông tin Việt Nam.
Biểu trưng của cuộc thi là hình ảnh Hiệp sĩ Dế mèn, lấy ý tưởng từ nhân vật Dế mèn trong truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài: Hiệp sĩ Dế mèn dũng cảm, mưu trí, trượng nghĩa và đầy tính nhân văn, cùng với chiếc khiên quyền năng, sẽ ra tay bảo vệ các em học sinh tránh những mối nguy hiểm rình rập trên không gian mạng.
Thông tin của Cuộc thi đã được Ban Tổ chức đăng tải trên website chính thức http://childsafe.vn. Nội dung đề thi là kiến thức phổ thông liên quan tới ATTT và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng theo 08 chủ đề: Giáo dục về đạo đức, pháp luật; Kiến thức về tin học và ATTT; Bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em và phòng chống nội dung xấu trên mạng; Phòng tránh các tương tác có hại trên mạng; Phòng tránh nguy cơ có hại trong quảng cáo và tiêu dùng trên mạng; Phòng chống nguy cơ mất an toàn mạng; Bảo vệ trẻ em trong sử dụng mạng xã hội và Sử dụng thiết bị di động an toàn.
Hơn 5,700 trường với 592.810 học sinh tại 63/63 tỉnh thành trên cả nước đã tham gia đăng ký dự thi, trong đó Thành phố Hà Nội có số lượng học sinh tham gia nhiều nhất với 125209 học sinh từ 568 trường thuộc địa bàn.
Phát biểu tại chương trình bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý tác động chương trình và Đối tác của tổ chức Plan International đã chia sẻ: “Công tác bảo vệ trẻ em trong thời điểm thời đại công nghệ số hiện nay là một thách thức vô cùng lớn và cần có sự chung tay. Tại các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, ví dụ như Hà Giang, Lai Châu và các tỉnh khác mà Plan International Vietnam đang triển khai dự án, trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, không chỉ là những khó khăn về mặt kinh tế mà các em còn gặp khó khăn về mặt tiếp cận thông tin, đặc biệt là với nhóm em gái là đối tượng yếu thế thường hay gặp thiệt thòi. Do vậy, trong các can thiệt của Plan, chúng tôi mong muốn hỗ trợ thêm cho các em để đảm bảo rằng các em sẽ bình đẳng và có cơ hội tiếp cận thông tin hay được hỗ trợ để tránh được rủi ro tốt hơn. Các ưu tiên của Plan sẽ không chỉ tập trung vào việc nâng cao nhận thức mà còn trợ giúp, kết nối các em khi bị xâm hại với các dịch vụ bảo vệ trẻ em để tạo ra vòng tròn bảo vệ trẻ em tổng thể, trong đó trẻ em là nhân tố tham gia quyết định chủ động chứ không chỉ là người đứng đấy để người lớn bảo vệ”.
Cuộc thi đã nhận được sự ủng hộ của các Bộ, các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia nhiệt tình, với trách nhiệm cao; sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan, tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động hỗ trợ, bảo vệ trẻ em tại Việt Nam; và sự ủng hộ của các cơ quan báo chí và huy động được khả năng truyền thông của nhiều đơn vị phối hợp tổ chức, đặc biệt là qua kênh TikTok. Bên cạnh đó, cuộc thi đã thu hút được đông đảo học sinh tham gia tại tất cả các tỉnh thành, kể cả các trường vùng sâu, vùng xa và nhận được sự quan tâm lớn của nhà trường, các thầy cô giáo và các phụ huynh.