Phân loại rác thải ở Nhật Bản được xem là quy trình nghiêm ngặt và hiệu quả nhất trên thế giới. Rác thải cơ bản được chia thành 4 loại: Rác cháy được, rác không cháy được, rác cồng kềnh, rác chai thủy tinh, vỏ lon – rác tái chế. Việc phân loại giúp quy trình phân chia, xử lý, tái chế được dễ dàng và hiệu quả hơn.
Sau khi phân loại, chỉ có khoảng trên 20% rác tại Nhật được tái chế. Phần lớn còn lại được đem đi đốt, nhưng không phải đốt như bình thường, mà bằng công nghệ thân thiện với môi trường mang tên: “Công nghệ đốt hóa lỏng tầng sôi” (Circulation fluidized bed - CFB).
Cụ thể, rác khi cho vào buồng đốt sẽ được vùi vào một lớp cát, luồng không khí được nung từ dưới đáy buồng sẽ thổi lên, đẩy những phần rác chưa cháy hết đi lên, sau đó lại quay trở lại phía dưới để đốt lại một lần nữa. Nhiệt độ của buồng đốt chỉ cần đạt khoảng 800 độ C (khá thấp so với các buồng đốt thông thường) nên lượng khí thải độc hại như NO hay SO2 sẽ ít hơn rất nhiều. Công nghệ này có thể đốt cháy cả những vật liệu "cứng đầu" nhất ở tốc độ nhanh, có giá thành rẻ hơn nhiều loại hình khác.
Minh họa quá trình xử lý rác tại Nhật (Ảnh: Kênh14) |
Rác được tái chế ở Nhật Bản bao gồm giấy, chai nhựa dẻo và đặc biệt là các chai làm bằng nhựa PET (Polyethylene terephthalate). Theo đó, những chai nhựa này sau khi được người dân phân loại cẩn thận sẽ được nung chảy ở nhiệt độ cao, sau đó xử lý để tạo thành các chai PET mới hoặc có thể kéo thành sợi, tạo thành các vật dụng khác như quần áo, túi xách, áo mưa…
Nhà máy xử lý rác Maishima tại Osaka giống như một công viên giải trí (Ảnh: Kênh14) |
Phân loại và xử lý rác đúng cách không chỉ góp phần làm giảm ô nhiễm nguồn nước, đất đai do người dân vứt rác bừa bãi, mà còn tạo thành một thói quen tốt cho người dân. Khi đến một đất nước văn minh, sạch sẽ, không khí trong lành sẽ đem lại cảm giác thoải mái, dễ chịu - điều này để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách đến xứ sở Phù Tang.
Hồng Nhi