Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu khoa học
Bộ GD&ĐT vừa ban hành văn bản thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 -2025 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm gửi các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), trường cao đẳng (CĐ) sư phạm.
Hoàn thiện các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 bảo đảm chất lượng và công bằng
Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá bao gồm: hoàn thiện chiến lược phát triển, kiện toàn tổ chức bộ máy, huy động mọi nguồn lực để nâng cao năng lực quản trị đại học, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, hoàn thiện và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, cải thiện các chỉ số hoạt động của mỗi cơ sở đào tạo, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Đổi mới mạnh mẽ chương trình và phương thức đào tạo gắn với tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm theo định hướng phát triển của các vùng và địa phương.
Từ các nhiệm vụ trọng tâm, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo hoàn thiện chiến lược phát triển, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học theo đúng chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tăng cường đào tạo, thu hút và phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt cho các ngành STEM và những ngành trọng điểm khác; chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cốt lõi cho giảng viên. Trong đó, tận dụng khai thác các nguồn học bổng, tạo điều kiện và thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết để có nhiều giảng viên được đi học nâng cao trình độ, nhất là đi học tiến sĩ theo Đề án 89; ưu tiên giảng viên các ngành STEM phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao và các lĩnh vực trọng điểm khác của đất nước.
Hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo đúng quy định; hoàn thiện các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 bảo đảm chất lượng và công bằng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông.
Trong đó, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.
Đổi mới, hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động và nhu cầu học tập đa dạng của người học trong bối cảnh mới.
Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo
Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo trình độ cao và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, chú trọng chất lượng và tác động xã hội. Trong đó tăng cường công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc gia và quốc tế, đẩy mạnh đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gắn với đào tạo, nhất là đào tạo tiến sĩ; quy hoạch hệ thống phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu gắn với các nhóm nghiên cứu, các đơn vị chuyên môn đơn ngành và đa ngành.
Bảo đảm trích đủ kinh phí từ nguồn thu học phí cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của người học, giảng viên cơ hữu và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học.
Tăng cường kiểm soát liêm chính khoa học trong các hoạt động nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu, nhất là các bài báo, báo cáo khoa học; chủ động lồng ghép các nội dung về sở hữu trí tuệ, liêm chính khoa học, kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc khai báo dữ liệu về khoa học và công nghệ trên hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học...
Tăng cường ứng dụng công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo trong toàn hệ thống giáo dục đại học, gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý và quản trị nhà trường, đổi mới phương pháp dạy và học, thi và kiểm tra, đánh giá, tạo tác động tích cực cho đổi mới giáo dục phổ thông.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trình độ cao, chuyên gia đầu ngành, đặc biệt là trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, then chốt, công nghệ cao.
Tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, chuẩn bị tốt các đề án, dự án theo các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị; các chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành công nghệ cao của Việt Nam, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, công nghệ sinh học và năng lượng xanh.