Chính phủ rất thấu hiểu sự khó khăn của các địa phương
Trong hai ngày liên tục, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai các hội nghị trực tuyến với các địa phương ở 6 vùng kinh tế trong cả nước để bàn về tình hình phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công của vùng năm 2021 và dự kiến cho năm 2022.
Các báo cáo tại hội nghị cho thấy đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống nhân dân ở mọi vùng miền.
Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi khó khăn do dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất công nghiệp một số địa phương gặp khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ, vận chuyển gặp khó khăn. Nguy cơ thiếu hụt lao động có kinh nghiệm, tay nghề cao do các doanh nghiệp dừng hoạt động. Người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, kéo dài.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GRDP) của miền Trung vào khoảng 6-6,5%, GRDP bình quân đầu người (giá HH) là 60 triệu đồng, tổng vốn đầu tư xã hội là 600 nghìn tỷ đồng. Cả 3 chỉ tiêu này đều không đạt kế hoạch.
Vùng Tây Nguyên, tăng trưởng GRDP chỉ đạt 6,13%, GRDP bình quân đầu người 55,13. Hai chỉ tiêu này không đạt kế hoạch. Nhưng tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt kế hoạch.
Vùng Đông Nam bộ là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Khoảng 80% doanh nghiệp ngừng trệ hoạt động, nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản. Dự báo tăng trưởng GRDP của khu vực này sẽ là con số -0,13%. GRDP bình quân đầu người đạt 136,74 triệu đồng - không đạt kế hoạch. Tổng vốn đầu tư phát triển là 819,675-đạt kế hoạch.
Đồng bằng Sông Cửu Long được dự báo tốc độ tăng GRDP chỉ đạt 2,9% (mục tiêu kế hoạch là 6-7%). GRDP bình quân đầu người chỉ đạt 60 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 390 nghìn tỷ đồng. Các chỉ tiêu này đều không đạt kế hoạch.
Vùng Đồng bằng Sông Hồng cũng không đạt kế hoạch về các chỉ tiêu tăng trưởng GRDP ( chỉ đạt 7%, kế hoạch là 8,5-9%), vốn đầu tư toàn xã hội (đạt 1.07 nghìn tỷ đồng), thu nhập bình quân dầu người ước khoảng 110 triệu đồng.
Hội nghị đã đánh giá toàn diện, phân tích các mặt được, chưa được và làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan và đã bàn các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và triển khai kế hoạch đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Lắng nghe các báo cáo, chia sẻ với địa phương về tình hình khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội, Thứ trưởng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chia sẻ: Chính phủ rất thấu hiểu sự khó khăn của các địa phương khi vừa phải chống đại dịch, vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế.
Đối thoại với doanh nghiệp khó khăn do dịch rất quan trọng
Dù khó khăn, nhưng với các chỉ đạo, giải pháp đồng bộ quyết liệt từ trung ương và các địa phương, tình hình thực hiện phát triển kinh tế xã hội 8 tháng đã có những kết quả nhất định.
Nhưng dịch bệnh vẫn rất phức tạp. Các nước đều dần mở cửa và thực hiện chính sách an sinh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo hướng sống chung lâu dài với dịch. Nhiều tập đoàn lớn, doanh nghiệp toàn cầu có xu hướng thiết lập lại trật tự thương mại, cơ cấu lại các hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải có chính sách phù hợp và cũng phải có biện pháp sống chung với dịch, vừa nỗ lực khống chế dịch bệnh vừa tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư công.
Khó khăn thách thức nhiều nhưng cũng có những thuận lợi. Đó là sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế, vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa kiểm soát dịch bệnh, thu ngân sách dự kiến đạt kế hoạch, có thể tăng, xuất khẩu có thể tăng…
Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, cần. “Chính phủ coi việc hỗ trợ doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất kinh doanh sau khi kiểm soát dịch là trọng tâm hàng đầu… Chúng tôi mong muốn các địa phương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ ngành triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp được nêu trong Nghịquyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19”.
Thứ trưởng lưu ý các địa phương tập trung vào 3 nhóm việc cần làm: Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy đầu tư công và xây dựng chương trình hồi phục kinh tế. Theo dó cần thực hiện quyết liệt các giải pháp để tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 60% vào cuối quý III. Đồng thời việc gặp gỡ đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch là rất quan trọng, thể hiện tinh thần chia sẻ đồng hành, đồng thời kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Một việc quan trọng nữa là các địa phương cần chủ động sớm xây dựng đề án khôi phục kinh tế sau dịch Covid-19 để qua đại dịch có thể nắm bắt cơ hội và bứt phá.
Năm 2022, còn nhiều thách thức, nhưng Chính phủ vẫn đặt ra quyết tâm cao, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng kế hoạch thực hiện đạt mục tiêu này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các địa phương để có giải pháp đúng, trúng, hiệu quả.
Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh: Vấn đề liên kết vùng, quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương. Nếu làm tốt vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau.