Hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do COVID-19: Cần chính sách tổng thể và tăng cường giám sát

(CL&CS) - Khẳng định các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do dịch COVID-19 là cần thiết nhất là trong bối cảnh cấp bách, chưa có tiền lệ, với nguồn lực nhà nước có hạn, song Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng tới đây Quốc hội cần có Nghị quyết tổng thể về các chính sách hỗ trợ cho cả giai đoạn 2021- 2021 và có chương trình giám sát để nâng cao hiệu quả triển khai các gói hỗ trợ..,

Chính sách nhiều…

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có tác động nghiêm trọng tới kinh tế-xã hội, dù ngân sách nhà nước đang rất eo hẹp nhưng trong năm 2020 Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN chịu tác động từ COVID-19 như: Nghị quyết 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/03/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị quyết 42/2020/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị quyết 154/NQ-CP (sửa đổi Nghị quyết 42) và Quyết định 32/2020/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 15/2020 về thực hiện chính sách hỗ trợ người, dân, DN gặp khó khăn do dịch COVID-19…

Theo thống kê chưa đầy đủ của VCCI, tính đến hết tháng 7 năm 2021, các bộ ngành, chính quyền cấp tỉnh đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành khoảng gần 100 văn bản về chính sách hỗ trợ cho DN2.

Ảnh minh họa

Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ DN có thể gộp thành 03 gói hỗ trợ lớn về: Chính sách tài khóa (miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập DN đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, thuế TNCN, tiền thuê đất,...); Chính sách hỗ trợ tín dụng như hỗ trợ lãi suất cho DN vay để phát triển sản xuất (gói tín dụng 250 nghìn tỷ đồng); Chính sách an sinh xã hội (gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng), trong đó có những nội dung hỗ trợ trực tiếp cho người lao động không có thu nhập hoặc thu nhập bị giảm sâu, hỗ trợ DN vay vốn không lãi suất để trả lương ngừng việc, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Ngoài ra Chính phủ còn thực hiện các chính sách khác hỗ trợ DN giảm bớt khó khăn về tài chính như: giãn nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí công đoàn; các biện pháp khác như cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí, tạo thuận lợi cho DN và người dân; điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc dẫn đến giảm thuế thu nhập cá nhân...

Theo đánh giá của VCCI, mặc dù còn một số hạn chế, nhưng các chính sách này đã góp phần quan trọng trong việc tiếp thêm nguồn lực cho các DN để có thể duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn do COVID-19 gây ra.

… hấp thu có hạn

Kết quả điều tra của VCCI cho thấy các DN đánh giá chính sách hỗ trợ về thuế dễ tiếp cận và hữu ích nhất khi có 67% DN tư nhân trong nước và 57% DN FDI đã đánh giá hỗ trợ gia hạn đóng thuế TNDN là hữu ích.  Tiếp theo là chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và phí công đoàn, trong khi chính sách giảm lãi suất và giãn thời gian cho vay xếp thứ ba. Ví dụ, 57% DN cho biết khó tiếp cận chính sách giảm lãi suất và giãn thời gian cho vay, so với tỷ lệ DN cho biết khó tiếp cận chính sách tạm dừng đóng BHXH, và giãn thời gian nộp thuế TNDN và GTGT lần lượt là 44 và 40%.

Theo VCCI, nhìn chung, các DN tư nhân trong nước và các DN FDI có nhận định khá tương đồng về mức độ tiếp cận các chính sách.

Cũng theo khảo sát của VCCI, các DN tư nhân trong các ngành như” Sản xuất thiết bị điện; May mặc và sản xuất cao su, nhựa là những ngành có tỷ lệ DN cho biết dễ tiếp cận các chính sách nhiều hơn DN trong các ngành còn lại.

Đáng chú ý là tỷ lệ DN đánh giá các chính sách là hữu ích cao hơn nhiều so với tỷ lệ đánh giá các chính sách là dễ tiếp cận. Với từng chính sách, tỷ lệ DN đánh giá chính sách khá hữu ích ở mức trên 60%. Trái ngược với đó, phần lớn DN đánh giá hầu hết các chính sách là khó tiếp cận.

“Do đó, có thể kết luận rằng các chính sách hỗ trợ kinh tế của Việt Nam hữu ích nhưng chỉ với một số DN có đủ thông tin, nguồn lực, liên kết, tài chính và phương tiện để tiếp cận…”- Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định.

Khó khăn còn lâu dài…

Trong báo cáo mới đây gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, VCCI nhận định, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt làn sóng dịch thứ tư bùng phát ngày với sự xuất hiện của biến chủng virus mới lây lan trên diện rộng tại nhiều tỉnh, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp nhiều trung tâm kinh tế và trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, khiến các DN Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.

Để hỗ trợ các DN nhanh chóng phục hồi và duy trì việc làm cho người lao động trong bối cảnh, bên cạnh đề xuất Quốc hội sớm ban hành Luật sửa đổi Luật thuế thu nhập DN để thể chế hoá nội dung về mức đóng thuế thu nhập DN thấp hơn cho DN nhỏ và vừa đã quy định trong Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa 2017, VCCI đề xuất Quốc hội xây dựng và ban hành Nghị quyết tổng thể về các chính sách hỗ trợ DN và người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cho giai đoạn mới 2021-2025.

“Theo dự báo, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới, do vậy cần có những chính sách mang tính tổng thể và dài hạn hơn.,,”- Văn bản của VCCI lưu ý.

Cùng với đó, VCCI đề nghị Quốc hội tổ chức một số chương trình giám sát để kịp thời đánh giá và nâng cao hiệu quả triển khai các gói hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.

Đối với Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương, VCCI đề xuất, cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đẩy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các DN.

Đồng thời cần nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành các gói chính sách hỗ trợ DN phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025, nhằm cụ thể hoá các chính sách của Đảng và Quốc hội. Các chính sách hỗ trợ DN cần thực hiện theo hướng tập trung, đúng đối tượng và theo đúng nhu cầu của DN. Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, như tiếp tục chính sách tiếp tục hỗ trợ cho các DN bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh như du lịch, vận tải, dệt may, da giày, giáo dục, đào tạo: cho phép cơ cấu lại những khoản vay, tiếp tục giãn nợ, thuế, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới doanh bổ sung vốn lưu động để giúp DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với các chính sách đã ban hành, cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các DN ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các DN thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch COVID-19.

Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa các DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm DN này. Nghiên cứu áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho các DN duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao tay nghề, trình độ cho người lao động.

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).