Hồ thủy điện lớn nhất miền Nam rộng 32.000ha, nằm trên địa bàn 4 huyện, đón nhận lượng nước từ 2 nhánh sông

Hồ là nơi đảm bảo nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, đẩy mặn và điều tiết lũ vùng hạ du.

Hồ thủy điện Trị An rộng 32.000ha, thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), là nơi trữ nước cung cấp cho Nhà máy thủy điện Trị An, đảm bảo nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, đẩy mặn và điều tiết lũ vùng hạ du.

Đây là hồ thủy điện lớn nhất miền Nam. Ngoài sản xuất cung cấp điện cho lưới quốc gia, công trình còn đảm bảo nước sinh hoạt, nông nghiệp, điều tiết lũ cho vùng hạ du hệ thống sông Đồng Nai.

Hồ thủy điện Trị An là hồ thủy điện lớn nhất miền Nam

Hồ đón nhận lượng nước từ 2 nhánh sông là sông Đồng Nai và sông La Ngà. Hàng năm, vào khoảng tháng 8, tháng 9, khi mưa lớn, lượng nước về nhiều, Thủy điện Trị An thường xả tràn để đảm bảo an toàn cho đập.

Hồ đón nhận lượng nước từ 2 nhánh sông

Khi xưa, sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước bước sang giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh, nhu cầu điện năng của miền Nam tăng gần 300-400 triệu KWh, nhưng không có nguồn điện bổ sung. Trong khi đó, thủy điện duy nhất ở miền Nam lúc bấy giờ là Đa Nhim (xây dựng năm 1964 trên sông Đa Nhim, giáp ranh tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận) chưa thể hòa vào lưới điện quốc gia. Vì vậy, ngành điện buộc phải cắt giảm tiêu thụ, gây trở ngại trong phát triển kinh tế, sinh hoạt của người dân.

Trước bức bách về điện, lãnh đạo Thành ủy TP HCM lúc đó đã khởi xướng, vận động cấp ủy các địa phương Nam bộ quyết tâm xây dựng Thủy điện Trị An ở bậc thang thứ 9 của sông Đồng Nai. Làm Thủy điện Trị An phải nhanh, nên cần huy động tổng lực nguồn lực xã hội với đông đảo đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật có tay nghề và các thiết bị máy móc phục vụ thi công.

Nhà máy thủy điện Trị An là công trình tầm cỡ quốc gia

Giữa muôn vàn gian khó, người dân các tỉnh Nam bộ đã đóng góp bằng sức người, sức của để cùng Nhà nước đầu tư xây dựng Thủy điện Trị An. Lực lượng công nhân, thanh niên xung phong của Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành đã đào lấp khối lượng đất đá khoảng 23 triệu m³, dùng 73.000 tấn kết cấu sắt thép, thiết bị và 580.000 tấn bê tông.

Chỉ trong 5 năm (1982-1987), lực lượng thi công ngăn dòng thành công và sau khi thử tải, truyền tải thì vào ngày 30/4/1988 chính thức phát điện tổ máy số 1, đến năm 1991 công trình được khánh thành.

Hiện nay, Nhà máy thủy điện Trị An có 4 tổ máy, tổng công suất thiết kế 400MW, cung cấp sản lượng điện trung bình hàng năm 1,7 tỷ KWh. Đây là công trình tầm cỡ quốc gia, không chỉ giải quyết nhu cầu điện năng cho sinh hoạt, sản xuất, mà còn phục vụ cho công cuộc tái thiết đất nước sau hàng chục năm chiến tranh và góp phần đào tạo một đội ngũ cán bộ, kỹ sư cho ngành điện.

Nguồn tài nguyên từ lòng hồ Trị An đang mở ra những cơ hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Không chỉ Nhà máy thủy điện Trị An cung cấp sản lượng điện lớn hàng năm, mà cùng với các di tích, cảnh quan gắn với Chiến khu Đ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông, địa đạo Suối Linh, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai…, nguồn tài nguyên từ lòng hồ Trị An đang mở ra những cơ hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng, vùng Đông Nam bộ nói chung.

TIN LIÊN QUAN