Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội trong mạng lưới VNGO-EVFTA đơn vị có liên quan về các nội dung cam kết tại Hiệp định EVFTA, những cơ hội thức trong thực thi tại ngành lâm nghiệp Việt Nam.
Hội thảo có sự tham gia của: GS.TS. Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; Bà Vũ Thị Bích Hợp – Giám đốc và TS. Nguyễn Phú Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững SRD; Các đại biểu đến từ Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, Hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội chủ rừng Việt Nam, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển vùng cao, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi. Về phía Trường Đại học Lâm nghiệp tham dự có: PGS.TS. Phùng Văn Khoa – Phó Hiệu trưởng; GS.TS. Hoàng Văn Sâm – Trưởng phòng HTQT; Lãnh đạo khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường, Khoa Lâm học cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm.
Thông qua hội thảo, các nhà khoa học trao đổi và chia sẻ các thành quả nghiên cứu với hai mục tiêu chính.
Một là tăng cường hiểu biết của các tổ chức xã hội về Chương Thương mại và Phát triển bền vững, bao gồm các cam kết về môi trường, xã hội và quản trị rừng hiệu quả, những cơ hội và thách thức đối với ngành lâm nghiệp.
Hai là tăng cường thông tin và thảo luận về việc áp dụng các Nguyên tắc thực hiện các cam kết mà hai bên đã ký, nhằm thực thi đầy đủ có trách nhiệm nội dung môi trường và xã hội trong Hiệp định.
Tại Hội thảo nhiều tham luận được đưa ra nhằm khảo sát ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để tập trung phân tích, đánh giá Cam kết về môi trường xã hội của Hiệp định EVFTA với ngành Lâm nghiệp gồm:
1. Các cam kết về môi trường xã hội trong Thương mại và Phát triển bền vững trong Hiệp định EVFTA của TS. Hoàng Liên Sơn, Giám đốc FEREC
2. Vấn đề người lao động trong doanh nghiệp lâm nghiệp của TS. Ngô Minh Hương, chuyên gia tư vấn lao động
3. Phát triển bền vững và vai trò của các tổ chức xã hội trong thực thi Hiệp định EVFTA của PGS.TS. Lê Xuân Phương
4. Đánh giá thực trạng môi trường, xã hội tại các doanh nghiệp Lâm nghiệp Việt Nam của TS. Đoàn Diễm, chuyên gia lâm nghiệp
5. Vấn đề bình đẳng giới trong ngành Lâm nghiệp của TS. Đào Minh Châu, chuyên gia CEBR
6. Các cơ chế thực thi, bao gồm Nhóm tư vấn trong nước DAG – DAG Việt Nam và cập nhật tiến trình hiện tại của TS. Nguyễn Phú Hùng, Phó Giám đốc SRD.
Thông qua những tham luận đóng góp ý kiến, phân tích, đánh giá và phản biện, Tổng quan nội dung hội thảo đã chỉ ra được tầm quan trọng trong Cam kết về môi trường xã hội của Hiệp định EVFTA với ngành Lâm nghiệp đặc biệt là với doanh nghiệp.
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 là một trong những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có các nội dung phi thương mại, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong đó mở ra các cơ hội lớn về gia tăng giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tại thị trường lớn Châu Âu, cũng như nhận được những ưu đãi về thuế, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Cụ thể, tại quyết định 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030.
Đề án đặt mục tiêu chung đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 18,5 tỷ USD; 25 tỷ USD vào năm 2030, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 20,4 tỷ USD. Giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, trên 6 tỷ USD vào năm 2030.
Hiệp định EVFTA, mở ra một thị trường hàng hóa, dịch vụ giữa Việt Nam và EU.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định. Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định, cam kết của Hiệp định.
Ngay sau khi Hiệp định EVFTA đi vào thực hiện hơn 90% các loại nông sản Việt Nam có thuế xuất về 0% khi xuất khẩu sang châu Âu. Cụ thể như 99% các mặt hàng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được hưởng thuế xuất 0%, chỉ còn 1% giá trị xuất khẩu ở mặt hàng ván sợi, ván dăm và gỗ dán về 0% sau 4-6 năm.
EU là thị trường lớn, tiềm năng nhưng các doanh nghiệp gỗ Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt và đáp ứng được các quy định của VPA/FLEGT.
Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) là hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu thiết lập khung pháp lý đảm bảo rằng tất cả sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên minh Châu Âu (EU) có nguồn gốc và được sản xuất hợp pháp.