Trong 6 tháng đầu năm nay, tín dụng (cho vay khách hàng) của nhiều ngân hàng tăng trưởng ấn tượng trên 10%. Đó là VIB (tăng 10,03%), VPBank (10,8%), Vietbank (11,26%), ABBank (12,64%), Techcombank (12,81%), MB (14,28%), Vietcombank (14,58%), SeABank (15,04%) và ấn tượng nhất thuộc về HDBank (16,97%).
Tại thời điểm 30/6/2022, tín dụng của HDBank đạt 237.688 tỷ đồng - xếp hạng 10/27 ngân hàng niêm yết. Trong đó, dư nợ theo thời gian cho vay tập trung chủ yếu ở nợ ngắn hạn với tỷ lệ 62,1%; nợ dài hạn chiếm tỷ lệ 27% và còn lại là 11% thuộc về nợ trung hạn.
Tỷ lệ nợ xấu của HDBank đang ở mức khá thấp, 1,33% tương ứng 3.167 tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu của HDBank giảm mạnh so với mức 1,65% ở thời điểm đầu năm nay.
Tại thời điểm 30/6/2022, tiền gửi của khách hàng đạt 212.520 tỷ đồng, tăng 15,95% so với đầu năm; tổng tài sản đạt 384.267 tỷ đồng, tăng 2,58%. Đáng chú ý là tỷ lệ tăng trưởng tiền gửi của khách hàng tại HDBank cao thứ hai trong các ngân hàng niêm yết, chỉ xếp sau VPBank với tốc độ tăng trưởng 22,16%.
Trong 6 tháng đầu năm nay, các hoạt động cốt lõi của ngân hàng là thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ duy trì tốc độ tăng trưởng tốt giúp tổng thu nhập đạt 10.704 tỷ đồng, tăng 27,1% so cùng kỳ năm trước (YoY).
Thu nhập lãi thuần ghi nhận 8.595 tỷ đồng, tăng 25,8% YoY và chiếm tỷ trọng 80,3% cơ cấu tổng thu nhập 6 tháng đầu năm 2022. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.444 tỷ đồng, tăng 68,4% YoY và chiếm tỷ trọng 13,5%.
Chi phí hoạt động tăng 19,4% lên 3.959 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 57,6% lên 1.442 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn tăng 26,5%, đạt 5.304 tỷ đồng.
Đóng cửa ngày 29/7, cổ phiếu HDB của HDBank đạt 24.150 đồng/cổ phiếu, giúp vốn hóa đạt 47.488 tỷ đồng. Ở mức giá này, cổ phiếu HDB đã giảm 28,9% so với mức đỉnh được thiết lập vào 24/11/2021.