Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank - mã chứng khoán HDB) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 8.016 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ và hoàn thành 82% kế hoạch năm. Tính riêng trong quý 3, lợi nhuận trước thuế của HDBank đạt 2.712 tỷ đồng, tăng 43,4%.
Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất 9 tháng của ngân hàng đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập dịch vụ đạt trên 2.100 tỷ đồng, tăng 80,1% so với cùng kỳ. Mảng kinh doanh ngoại hối ghi nhận tăng trưởng đột biến gấp 2,3 lần cùng kỳ mang về gần 200 tỷ đồng.
Mảng mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư đều ghi nhận sụt giảm lần lượt 85% và 28% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng cho biết, các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động như ROE đạt 25,2%, ROA đạt 2,2%. Hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chỉ 15,9%, cao hơn mức tối đa 37% theo quy định của NHNN. Hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 15,3%.
Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của HDBank đạt gần 400.000 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cuối năm trước. Cho vay khách hàng ghi nhận tăng trưởng mạnh hơn 21%, tổng tiền gửi khách hàng tăng 13,4%.
Số dư nợ xấu của HDBank tăng 12,8%, với 3.791 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu lại giảm từ 1,65% về 1,54%. Ngân hàng cho biết nợ xấu riêng lẻ ở mức 1,1%.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT HDBank đánh giá: “Đó là những con số hết sức phấn khởi với nhà đầu tư. Chưa bao giờ HDBank đạt được những chỉ số tốt như vậy, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang trải qua nhiều biến động”.
Hiện HDBank đang tập trung vào 4 chiến lược chính, gồm: Phát triển ngân hàng số; khai thác lợi thế hệ sinh thái; kinh doanh bảo hiểm (Bancassurance), quản trị doanh nghiệp và rủi ro môi trường - xã hội.
Song song, HDBank hiện định vị mô hình kinh doanh là một ngân hàng bán lẻ tập trung vào phân khúc khách hàng ở khu vực đô thị loại 2/nông thôn - khu vực có tỷ lệ tiếp cận với các dịch vụ tài chính còn thấp so với thành thị.
Trong giai đoạn 5 năm sắp tới, HDBank sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trung bình trên 25%/năm, tiếp tục khẳng định năng lực đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững song song với tốc độ tăng trưởng cao cả về quy mô và chất lượng.
Đánh giá về cổ phiếu HDB của HDBank, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng, khi giá cổ phiếu HDB trên thị trường không phản ánh đúng giá trị thực, tiềm năng phát triển trong tương lai của ngân hàng. Giá trị cổ phiếu tính trên P/B chỉ trên giá trị sổ sách một chút; còn tính trên P/E thì khoảng trên 5 lần.
Cũng theo bà Thảo, có lẽ đa số nhà đầu tư có những tâm tư nhất định về giá trị tài sản, giá trị đầu tư của mình. Việc đầu tư vào ngân hàng niêm yết là đầu tư dài hạn, đầu tư vào giá trị bền vững. Chúng ta có thể thấy, đối với một ngân hàng như HDBank, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hôm nay không phản ảnh đúng giá trị thực, năng lực phát triển bền vững và các tiềm tiềm năng phát triển trong tương lai cũng như năng lực đi qua những biến động kinh tế để nắm bắt cơ hội phát triển một an toàn bền vững, tăng trưởng cao của ngân hàng.