EPS âm kỷ lục -9.698 đồng/cổ phiếu
Ngày 30/6, Hòa Bình công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 được thực hiện bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam. Theo đó, công ty ghi nhận 14.149 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 24,6% so cùng kỳ năm trước (YoY) nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là -2.567 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước đạt 103 tỷ đồng. Với khoản lợi nhuận âm này, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của Hòa Bình là -9.698 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận gộp giảm mạnh 41,4% YoY (-332 tỷ đồng), chỉ còn 470 tỷ đồng, trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất có một số điểm đáng chú ý khác.
Cụ thể, doanh thu tài chính giảm 78,5% YoY (-88 tỷ đồng), đạt 24 tỷ đồng. Năm vừa qua, công ty không ghi nhận lãi do thanh lý các khoản đầu tư tài chính trong khi năm 2021 đạt 89 tỷ đồng.
Chi phí tài chính tăng 72,4% YoY (+219 tỷ đồng), đạt 521 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày Hòa Bình phải trả tiền lãi 1,4 tỷ đồng cho ngân hàng. Nguyên nhân do vay nợ và lãi suất đều tăng mạnh. Cụ thể, vay nợ ngắn hạn và dài hạn tăng 20,3% YoY (+1.033 tỷ đồng) lên 6.131 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất là chi phí quản lý tăng 447,3% YoY (+1.836 tỷ đồng) lên 2.246 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chủ yếu “nhấn chìm” Hòa Bình trong năm 2022. Trong đó, nổi bật nhất là khoản mục dự phòng phải thu khó đòi lên 1.690 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước được hoàn nhập 37 tỷ đồng.
Vậy doanh nghiệp nào khiến Hòa Bình phải thực hiện nghiệp vụ trích lập dự phòng?
Trích lập dự phòng hàng loạt chủ đầu tư nổi tiếng
Trên bảng cân đối kế toán ở khoản mục phải thu ngắn hạn của khách hàng là 6.590 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm (+1.234 tỷ đồng), trong đó, dự phòng 950 tỷ đồng, tăng 321,3% (+724 tỷ đồng). Như vậy, Hòa Bình trích lập dự phòng ở tỷ lệ 14,4% trên tổng phải thu ngắn hạn của khách hàng.
Hòa Bình đã thực hiện dự phòng cho các chủ đầu tư: CTCP Tập đoàn Sunshine (trích lập 65 tỷ đồng, tỷ lệ 21,9% trên giá trị nợ gốc), CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (41 tỷ đồng, 15,2%), Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm (132 tỷ đồng, 100%), CTCP Tập đoàn Sunshine Sài Gòn (44 tỷ đồng, 42,8%), CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị (102 tỷ đồng, 99,3%), CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy (91 tỷ đồng, 98%), CTCP Xây dựng và Quản lý nhà An Trung Phát (71 tỷ đồng, 99,6%), CTCP Tập đoàn TMS (64 tỷ đồng, 100%), CTCP Kinh doanh và Xây dựng Quang Minh (49 tỷ đồng, 84,4%), Công ty TNHH Vĩ Khoa Học (40 tỷ đồng, 96,5%), các khách hàng khác (251 tỷ đồng, 14,4%).
Như vậy, Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm và CTCP Tập đoàn TMS là những chủ đầu tư khiến Hòa Bình phải trích lập dự phòng 100% trên giá trị nợ gốc.
Trên bảng cân đối kế toán ở khoản mục phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng là 3.665 tỷ đồng, giảm 22,6% (-1.070 tỷ đồng), trong đó, dự phòng 426 tỷ đồng, tăng 262,1% (+308 tỷ đồng). Như vậy, Hòa Bình trích lập dự phòng ở tỷ lệ 11,6% trên tổng phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng.
Hòa Bình đã thực hiện dự phòng cho các khách hàng: CTCP Kinh doanh và Xây dựng Quang Minh (124 tỷ đồng, 100%), Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Công nghệ cao Hà Nội (54 tỷ đồng, 69,7%), Công ty TNHH Miền nhiệt đới Nha Trang (39 tỷ đồng, 58,9%), CTCP Tập đoàn TMS (48 tỷ đồng, 100%), Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Việt Gia Phú (25 tỷ đồng, 60,7%), CTCP Hóa dầu Quân Đội (7 tỷ đồng, 22,5%), CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy (29 tỷ đồng, 100%), CTCP May Lê Trực (27 tỷ đồng, 100%), CTCP Tập đoàn Sunshine (14 tỷ đồng, 61,9%), Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô (21 tỷ đồng, 100%), các bên khác (38 tỷ đồng, 1,2%).
Như vậy, CTCP Kinh doanh và Xây dựng Quang Minh, CTCP Tập đoàn TMS, CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy, CTCP May Lê Trực và Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô là các chủ đầu tư khiến Hòa Bình phải trích lập dự phòng 100% trong khoản mục phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng.
Trả trước cho người bán ngắn hạn tăng 31,9% (+119 tỷ đồng) lên 493 tỷ đồng. Hòa Bình trích lập dự phòng 163 tỷ đồng, tăng 6.454,5% (+161 tỷ đồng), tỷ lệ trích lập dự phòng 33,2%.
Phải thu về cho vay ngắn hạn tăng 95,9% (+55 tỷ đồng) lên 112 tỷ đồng. Hòa Bình trích lập dự phòng 45 tỷ đồng, tăng 220,5% (+31 tỷ đồng), tỷ lệ trích lập dự phòng 40,2%.
Phải thu ngắn hạn khác tăng 35,1% (+486 tỷ đồng) lên 1.871 tỷ đồng. Hòa Bình trích lập dự phòng 475 tỷ đồng, tăng 4.817,5% (+466 tỷ đồng), tỷ lệ trích lập dự phòng 25,4%.
Các khoản mục: trả trước cho người bán ngắn hạn, phải thu về cho vay ngắn hạn và phải thu ngắn hạn khác, Hòa Bình không công bố “danh tính” khách hàng.
Như vậy, tại thời điểm 31/12/2022, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 2.059 tỷ đồng, tăng 457,7% (+1.690 tỷ đồng).
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình chia sẻ: “Với nguyên tắc chung là rất thận trọng, đơn vị kiểm toán đã căn cứ vào tuổi nợ để xác định giá trị trích lập dự phòng nói trên. Thực tế trong suốt lịch sử kinh doanh của mình, Hòa Bình chưa hề xóa bất cứ một khoản nợ nào. Hầu hết các khoản nợ đã từng trích lập trước đây đều đã được hoàn nhập. Trong thời gian qua, do tình thế chẳng đặng đừng Hòa Bình đã phải giải quyết vấn đề thu hồi nợ qua cơ quan chức năng và đã có 10 vụ được xét xử, Hòa Bình đã thành công cả 10 vụ. Tổng giá trị Hòa Bình sẽ thu về qua kết quả xét xử cao hơn tổng nợ gốc lên đến gần 50%”.