Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn tiếp diễn

(CL&CS) - Tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn còn tiếp diễn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, chủ thể quyền, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Nhiều loại hàng hóa bị làm giả, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT bị lực lượng QLTT phát hiện, xử lý. Ảnh: Quang Hùng

Còn nhiều khó khăn

Thời gian vừa qua, các lực lượng thực thi pháp luật, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền SHTT, hàng giả và gian lận thương mại.

Năm 2023, lực lượng QLTT đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ, phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 501 tỷ đồng. Trong đó có 9.246 vụ vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt vi phạm hành chính 92,5 tỷ đồng; trị giá hàng hoá vi phạm trên 118,3 tỷ đồng.

Theo Tổng cục QLTT, công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền SHTT có nhiều chuyển biến tích cực. Tại một số địa bàn nổi cộm, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể so với trước đây, ý thức chấp hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh dần được cải thiện. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn chưa tương xứng, tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT diễn biến ngày càng phức tạp.

Việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng thực thi gặp không ít khó khăn trong cách nhận biết hàng thật, hàng giả, các hàng hóa được bảo hộ là những loại nào; phát sinh nhiều hình thức gian lận mới của các đối tượng sản xuất, kinh doanh; các phương thức kinh doanh mới, sự phối hợp giữa chủ thể quyền và cơ quan kiểm tra…

Phối hợp đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm

Mới đây, tại Hội thảo “Bảo vệ quyền SHTT Việt Nam - Nhật Bản”, Chánh Thanh tra bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Như Quỳnh cho biết, công tác đấu tranh của lực lượng chức năng còn nhiều khó khăn do năng lực cán bộ thực thi còn những hạn chế nhất định. Do vậy, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách pháp luật cần tăng cường đào tạo nâng cao nhân lực, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Bởi nếu vẫn có sự chấp nhận của người dùng với sản phẩm giả thì mọi nỗ lực từ góc độ quản lý sẽ không mang lại hiệu quả.

Theo Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) Nguyễn Đức Lê, thời gian qua, lực lượng QLTT đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp như công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường phối hợp, kiểm tra kiểm soát thị trường... đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Tổng cục QLTT đã ban hành và triển khai Quyết định số 888 về Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền SHTT giai đoạn từ năm 2021 đến 2025 và Quyết định 319 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Trong đó, Tổng cục QLTT hướng đến mục tiêu không còn hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ được trưng bày công khai trên toàn quốc; không còn tình trạng công khai sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT tại các làng nghề trên cả nước. Chủ sở hữu các trang thương mại điện tử và mạng xã hội cam kết không cho phép rao bán công khai hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT, hàng hóa không rõ nguồn gốc trên nền tảng của mình.

Bên cạnh đó, Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 hướng đến hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hiệu trong hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, phát triển cơ sở hạ tầng, cải tiến công nghệ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; 100% cán bộ, công chức thực thi được đào tạo, trang bị kiến thức về thương mại điện tử, có đủ năng lực, chuyên môn, kỹ năng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, 100% các sàn thương mại điện tử ký cam kết không kinh doanh hàng giả; tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật.

“Các doanh nghiệp có sản phẩm bán tại thị trường Việt Nam cần tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin và cử đầu mối đại diện pháp lý để hỗ trợ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời, phối hợp tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT; hỗ trợ các khoá học, tập huấn đào tạo chuyên môn phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT và quản lý, giám sát hoạt động thương mại điện tử”, ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.

TIN LIÊN QUAN