Hang đá Mạc Cao tọa lạc trên núi Minh Sa, cách khoảng 25km về phía tây bắc của thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Hang được chia làm năm tầng, bên trong được khai quật vô số hang động xếp tầng cao thấp khác nhau vô cùng hoành tráng với những tác phẩm điêu khắc và bích họa tinh xảo.
Công trình này được xây dựng lần đầu vào năm 366. Trong hơn 1000 năm sau đó, nơi này đã là điểm dừng chân quan trọng trên Con đường Tơ lụa cổ đại, thu hút du khách và là địa điểm của 492 ngôi đền thờ tôn giáo.
Theo thời gian, số lượng các hang ngày càng tăng lên qua các triều đại. Vào thế kỷ thứ 7, trong thời nhà Đường, số lượng các hang đã vượt qua con số 1000, từ đó hang đá Mạc Cao được gọi là hang Ngàn Phật hay "Thiên Phật Động".
Nhờ vị trí nằm tại trung tâm của Con đường Tơ lụa cổ đại, nơi này trở thành điểm hội tụ của tôn giáo, văn hóa và kiến thức từ cả phương đông và phương tây. Trong hang đá Mạc Cao, nghệ thuật nước ngoài và nghệ thuật văn hóa truyền thống Trung Hoa hoà quyện với nhau.
Hang đá Mạc Cao cũng là nơi tập trung tinh hoa của nghệ thuật chạm khắc đá Phật giáo. Vượt qua những biến cố của lịch sử, đến nay, hang đá Mạc Cao vẫn giữ gần 500 hang động, hơn 2000 tượng Phật với kích thước vô cùng đa dạng, tượng lớn nhất cao 33m và nhỏ nhất 10cm và gần 50.000m2 vuông bích họa.
Các tượng Phật trong hang đá Mạc Cao mang đa dạng hình thái, phản ánh của các nền văn hóa khác nhau qua từng giai đoạn lịch sử. Các bức tranh bích họa trong hang cũng vô cùng phong phú, nếu ghép chúng lại với nhau, chúng có thể tạo thành một dải bích họa dài tới 30km.
Hầu hết các bức bích họa trong hang đều mang đề tài Phật giáo, từ hình ảnh các loại Phật, Bồ Tát, Ngọc Hoàng đến các cốt truyện lấy từ kinh Phật, kết hợp với truyền thuyết và nhân vật lịch sử từ Ấn Độ, Trung Á và Trung Quốc. Hang đá Mạc Cao chứa đựng những di vật cho thấy rõ nét văn minh Trung Hoa xưa qua các triều đại Tùy, Đường và Tống.
Tương truyền, vào năm 366, hoà thượng Lạc Tôn đến chân núi Tam Nguy ở Đôn Hoàng. Khi đó là lúc hoàng hôn, ông không tìm được nơi nghỉ, đang đắn đo thì bỗng trước mắt xuất hiện một cảnh tượng kỳ lạ. Trên núi Ô-xa đối diện, có ánh sáng chói chang, dường như có hàng vạn Phật hiện ra trong ánh vàng lấp lánh. Hoà thượng bị cuốn hút bởi cảnh tượng này và nghĩ rằng: nơi đây thật sự là một miền đất lạ. Do đó, ông thuê người để xây dựng ra hang đá Mạc Cao, quy mô ngày càng lớn, đến đời nhà Đường đã có hơn một nghìn hang đá được tạo ra.
Năm 1900, một kho báu văn vật được phát hiện và sau này được gọi là "kho Kinh Động". Trong một hang nhỏ có chiều rộng và dài khoảng 3 mét, chứa hơn 500 nghìn văn vật bao gồm kinh sách, văn thư, đồ thêu, tranh, gấm thêu hình Phật... Niên đại của các văn vật này kéo dài từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 11, với nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực như lịch sử, chính trị, dân tộc, quân sự, ngôn ngữ, văn học nghệ thuật, tôn giáo, y học, khoa học kỹ thuật... của Trung Quốc, Trung Á, Nam Á và châu Âu, được gọi là "Bách khoa toàn thư thời cổ Trung Quốc".
Sau khi kho Kinh Động này được phát hiện, các “nhà thám hiểm” từ các quốc gia trên thế giới đã đổ về đây. Trong thời gian chưa đầy 20 năm, họ đã lần lượt lấy đi gần 40.000 cuốn kinh và nhiều bức tranh, tác phẩm điêu khắc, gây ra một thảm họa lớn cho hang đá Mạc Cao. Hiện nay, trong các bảo tàng của nhiều nước vẫn trưng bày các văn vật từ hang đá này, chiếm hai phần ba tổng số lượng văn vật trong kho Kinh Động.
Hang đá Mạc Cao cũng là một trong những địa điểm điêu khắc Phật giáo cổ đại nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, cùng với hang đá Vân Cương và hang đá Long Môn.
Công trình có tuổi đời hơn 1600 năm đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1987. Hiện nay, đây là điểm đến du lịch nổi tiếng và một số hang trong khu vực đã mở cửa để đón tiếp du khách tham quan.