Hà Nội triển khai bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu 2024

(CL&CS)- UBND TP. Hà Nội vừa có Kế hoạch số 185/KH-UBND về thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2024.

Kế hoạch nhằm bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô về các mặt hàng thiết yếu trong mùa mưa bão, những ngày lễ, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và các thời điểm dịch bệnh bất thường xảy ra.

Nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung - cầu gồm gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ trong dịp Tết Nguyên đán như mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát.

Trong đó, dự kiến nhu cầu tiêu dùng gạo khoảng 99.450 tấn/tháng tương đương với 1,19 triệu tấn/năm; thịt lợn khoảng 19.890 tấn lợn hơi/tháng, thịt gà, vịt khoảng 6.630 tấn thịt/tháng, tương đương với 79.560 tấn/năm, thủy, hải sản tươi, đông lạnh khoảng 5.520 tấn/tháng tương đương 66.300 tấn/năm, thực phẩm chế biến khoảng 5.520 tấn/tháng, tương đương với 66.300 tấn/năm…

Để làm tốt việc này, UBND TP. Hà Nội giao Sở Công Thương Hà Nội chủ trì công tác nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức, điều phối hàng hóa của các đơn vị khi thị trường có biến động theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND Thành phố.

Hà Nội triển khai bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu 2024

Đồng thời, tăng cường hoạt động liên kết vùng giữa TP. Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước để chủ động nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu và hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp lễ, Tết. Cũng như giúp các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn hàng cung cấp cho thị trường Hà Nội và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tới các tỉnh, thành trong cả nước...

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND Thành phố tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP. Hà Nội thông báo nội dung chương trình tới các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đồng thời tiếp nhận và chuyển thông tin về nhu cầu vay vốn của các đơn vị tham gia chương trình tới các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội, kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để giúp các doanh nghiệp tiếp cận nhanh vốn vay ngân hàng…

UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ sở đăng ký tham gia phải có ngành nghề sản xuất - kinh doanh phù hợp với các nhóm hàng trong chương trình; có thương hiệu, uy tín, năng lực sản xuất, kinh nghiệm kinh doanh các mặt hàng trong chương trình; có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng ổn định và xuyên suốt; các cơ sở tham gia chương trình cũng được hưởng nhiều ưu đãi...

Thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại để tăng các điểm phục vụ cố định trên địa bàn các quận, huyện, thị xã nhất là các vùng ngoại thành (siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng trong các chợ dân sinh, tuyến phố…); đẩy mạnh phát triển hệ thống chuỗi, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn… đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng của nhân dân, đáp ứng các quy định về ATTP, văn minh thương mại;

Hỗ trợ cấp phép cho xe các doanh nghiệp tham gia chương trình chở hàng hóa thiết yếu hoạt động 24/24h trên địa bàn thành phố để đảm bảo hàng hóa được luân chuyển liên tục, kịp thời phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, đầu cơ tích trữ và các hành vi kinh doanh trái phép khác, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giá cả hàng hóa… để người tiêu dùng thật sự tin tưởng các sản phẩm của chương trình, đảm bảo thị trường lành mạnh, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các vi phạm.

Thời gian thực hiện kể từ ngày kế hoạch được phê duyệt, ban hành đến hết tháng 5/2025.

TIN LIÊN QUAN