Hà Nội sẽ phát triển 2 thành phố trực thuộc

(CL&CS)- Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, Thủ đô Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển 2 thành phố trực thuộc là TP Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh) và TP phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai).

Về kế hoạch xây dựng 2 thành phố trực thuộc thủ đô Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết theo quy hoạch, thành phố ở phía Bắc sông Hồng, gồm huyện Mê Linh, Đông Anh và Sóc Sơn. Đây sẽ là thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế. Hà Nội lấy sân bay Nội Bài là trung tâm phát triển của thành phố này.

Một góc của khu vực Hoà Lạc, nơi được định hướng xây dựng thành phố trực thuộc Thủ đô

Thành phố thứ hai trong quy hoạch xây dựng 2 thành phố trực thuộc thủ đô, dự kiến được xây dựng ở phía Tây, khu vực Hoà Lạc hiện nay. Hà Nội định hướng đây sẽ là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu định hướng phát triển khu vực nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng quê Bắc Bộ; phát triển các huyện phía Nam, vùng xa, giáp ranh với các tỉnh khác như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì (vốn là các địa phương còn nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội), tránh hình thành các "vùng trũng" về phát triển.

Ban chấp hành Đảng bộ thành phố tán thành nội dung điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Song để khả thi, trong quá trình nghiên cứu định hướng điều chỉnh tổng thể, cơ quan chuyên ngành của thành phố cần bám sát các nghị quyết của trung ương liên quan đến phát triển Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và nghị quyết quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội cho biết ngoài định hướng xây dựng 2 thành phố Bắc sông Hồng và Tây Hà Nội, có ý kiến đề nghị nghiên cứu các thành phố khác nếu đủ điều kiện, ví dụ khôi phục lại thành phố Sơn Tây.

Để xây dựng 2 thành phố trực thuộc, Hà Nội cũng sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình thành phố trực thuộc thành phố. Việc điều chỉnh quy hoạch còn nhằm quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm. Đồng thời ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn.

Về mặt không gian đô thị, Hà Nội định hướng các trục đô thị chính ở khu vực nội đô, vùng ven và các thành phố trực thuộc tại các huyện phía Tây, phía Bắc. Cụ thể, Hà Nội sẽ lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm với thiết kế đô thị hài hoà hai bên sông. Dọc đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ thiết lập trục đô thị vùng ven.

Trục đường Nhật Tân - Nội Bài sẽ phát triển các đô thị thông minh, đồng thời, xây dựng các đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng. Trong quy hoạch, thành phố Hà Nội cũng tính đến phương án bố trí sân bay thứ 2 của Vùng Thủ đô tại khu vực phía Nam.

Cùng với đó, Hà Nội cũng tính đến xây dựng 2 thành phố trực thuộc thủ đô tại các huyện phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai). Bản điều chỉnh quy hoạch cũng nghiên cứu mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối tổng thể với các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô Hà Nội. Đồng thời nghiên cứu các tuyến đường trục chính, cầu qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy và các tuyến sông chính khác.

Việc xây dựng 2 thành phố trực thuộc Hà Nội cũng định hướng các giải pháp chiến lược để khắc phục các tồn tại, bất cập về quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tắc nghẽn giao thông, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội chất lượng cao, xử lý các vấn đề môi trường.

Hà Nội hiện có 12 quận, một thị xã và 17 huyện (đạt 43% đơn vị hành chính đô thị). Dự kiến đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm tám quận Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.

Hà Nội đặt mục tiêu năm 2023 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 7% trở lên. Tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn 10,5-11%, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7,5-8%.

TIN LIÊN QUAN