Hà Nội: Phát hiện hơn 400 máy sấy tóc nghi giả nhãn hiệu Panasonic

(CL&CS) - Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh trên địa bàn huyện Hoài Đức phát hiện và thu giữ hơn hơn 400 chiếc máy sấy tóc nghi giả nhãn hiệu Panasonic.

Theo đó, Ngày 9/6, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh tại thôn Yên Thái, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.

Tại thời kiểm tra, địa điểm kinh doanh hàng hóa do bà Nguyễn Thị Mai (địa chỉ: thôn Yên Thái, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) làm chủ đang bày bán, kinh doanh 412 chiếc máy sấy tóc do nước ngoài sản xuất.

Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hóa vi phạm.

Trên hàng hóa có nhãn, chữ bằng tiếng nước ngoài và có chữ Panassonic trên thân máy, giá niêm yết tại cơ sở là 70.000 đồng/chiếc. Bà Mai không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, hồ sơ, giấy tờ liên quan đến số hàng hóa trên.

Làm việc với cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Mai khai nhận, toàn bộ số máy sấy tóc ở trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất. “Tôi mới mua số hàng trên từ một người không rõ địa chỉ, thông tin liên hệ. Họ đến chào bán tại cơ sở, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ”, bà Mai khai nhận.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ đối với 412 chiếc máy sấy tóc ở trên không có hóa đơn, chứng từ, hồ sơ, giấy tờ kèm theo, có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu Panasonic đang được bảo hộ tại Việt Nam để xử lý theo quy định.

Theo điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng; hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Hay nói cách khác, hàng hóa này đã được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Mọi hình vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Điều 129. Theo đó, các hành vi được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: Việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự; hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó. Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự. Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng; dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng.

TIN LIÊN QUAN