Trong khuôn khổ dự án thí điểm 2.000 xe đạp đô thị tại 9 quận tại thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải vừa chốt danh sách gần 200 điểm trạm cho thuê xe đạp công cộng. Trước mắt, sẽ bố trí các điểm thuê xe tại 7 quận Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy. Còn tại 2 quận Hà Đông và Hoàng Mai, Sở Giao thông vận tải đang thống nhất với các bên liên quan để bố trí các điểm còn lại.
Dự kiến mức giá cho thuê trong 30 phút là 5.000 đồng/xe đạp cơ và 10.000 đồng/xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng/xe đạp cơ và 120.000 đồng/xe đạp điện. Hệ thống vé có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, các điểm bố trí xe được ưu tiên kết nối với các phương tiện công cộng khác như xe buýt, metro hay những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… So với kế hoạch trước đó, quy mô dự án đã tăng gấp đôi, từ 1.000 xe lên thành 2.000 xe đạp. Địa bàn thực hiện cũng mở rộng hơn thành 9 quận, so với con số 5 quận trước đó.
Trong giai đoạn 2022-2023 sẽ thực hiện tại 9 quận trên. Còn giai đoạn 2 sẽ mở rộng vùng phục vụ, quy mô 3.000 xe, bố trí tại 350 điểm. Chậm nhất trong quý 4 năm 2022, người dân Hà Nội có thể trải nghiệm dịch vụ này.
Chia sẻ niềm vui về thông tin này, bạn Trần Hà Anh, sinh viên Đại học quốc gia Hà Nội cho biết: “Nhà em ở Hà Đông, hàng ngày bố mẹ vẫn chở em đến trường bằng xe máy. Em rất muốn đi tàu điện trên cao để đến trường nhưng từ nhà ra đến ga tàu điện lại phải đi thêm một chuyến xe bus nữa nên rất khó để tham gia phương tiện này. Sắp tới nếu triển khai các điểm/trạm xe đạp ở Hà Đông, việc đi lại sẽ thuận tiện hơn. Tuy nhiên, em muốn tìm hiểu thêm về dịch vụ xe đạp nối kết giữa các điểm thuê và điểm gửi.”
Còn bạn Đinh Bảo Anh, học sinh lớp 9 ở quận Hoàn Kiếm thì cho biết: “Em rất quan tâm đến sự kiện này và hy vọng sẽ được sử dụng xe đạp để đi học hoặc đi dạo quanh bờ hồ. Tuy nhiên, em cũng hơi lo lắng khi hiện nay chưa có đường riêng cho xe đạp. Em nghĩ ngoài khách du lịch ra thì học sinh, sinh viên sẽ đi xe đạp rất nhiều. Mong Thành phố sẽ có các quy định riêng dành cho đối tượng học sinh, sinh viên như giảm giá vé thuê xe, vé tháng, có sự kết nối giữa các điểm như sử dụng thẻ/vé ở bất cứ điểm nhận xe và điểm gửi xe nào mà không phải trả phí nhiều lần”.
Nhiều người cũng cho rằng, xe đạp đô thị sẽ hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, tại Hà Nội đã từng triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp, phục vụ chủ yếu khu vực quận Hai Bà Trưng, hướng đến đối tượng là sinh viên các trường đại học. Do phạm vi hoạt động còn hạn chế nên hình thức này chưa phát huy được hiệu quả, không duy trì được lâu. Vì vậy, để xe đạp đô thị được phổ biến rộng rãi, cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện về nhu cầu, phạm vi sử dụng, vị trí đặt điểm trạm, thời gian hoạt động với các nhóm đối tượng khác nhau.
Bên cạnh đó, trong môi trường giao thông hỗn hợp tại các đô thị ở Việt Nam hiện nay, người tham gia giao thông bằng xe đạp cùng sử dụng chung lòng đường với các loại phương tiện cơ giới khác, tiềm ẩn nguy cơ va chạm. Để tạo môi trường thân thiện cho người đi xe đạp, cần hướng đến bố trí làn đường riêng và các biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm an toàn.
Các điểm đỗ xe, vị trí đặt trạm của xe đạp đô thị cần kết nối thuận tiện với các phương tiện giao thông công cộng khác, giúp tăng thêm tiện ích cho hệ thống vận tải hành khách. Đồng thời, cần mở rộng thu hút nguồn lực đầu tư, nhất là đẩy mạnh xã hội hóa để tăng hơn nữa số lượng phương tiện, quy mô điểm trạm, đưa xe đạp đô thị đến gần hơn với người dân.