Hà Nội nỗ lực nâng cao chất lượng xe buýt đến năm 2035

(CL&CS) - Với giải pháp nâng cao chất lượng phương tiện, chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh, đề án đưa ra 3 kịch bản triển khai đến năm 2035 sẽ hoàn thành gồm: Kịch bản 1 (100% xe buýt điện), kịch bản 2 (70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG), kịch bản 3 (50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG).

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, thành phố hiện có 154 tuyến buýt, trong đó có 132 tuyến buýt trợ giá với 2.024 phương tiện, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến buýt City tour. Trong số này có 269 xe năng lượng sạch và trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên. Hệ thống thông báo âm thanh, hệ thống thông tin bằng bảng LED, wifi miễn phí, lắp đặt camera trên xe đều đạt 100%.

Mạng lưới xe buýt hiện tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã và kết nối với 7 tỉnh, thành lân cận gồm: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hoà Bình, Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, mạng lưới buýt Thủ đô mật độ rất cao nhưng chỉ tập trung ở các trục chính. Nhiều khu vực có mật độ dân cư cao nhưng hành khách khó tiếp cận với dịch vụ xe buýt do cự ly đi bộ từ 500m – 1.000m, thậm chí có khu vực trên 1,5km như: Đường Chiến Thắng, Tân Triều, Triều Khúc, khu vực Phùng Khoang, Khương Trung, Khương Hạ, ngõ Văn Chương, Tôn Thất Tùng…

Hà Nội nỗ lực nâng cao chất lượng xe buýt đến năm 2035.

Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có 4.405 điểm dừng xe buýt nhưng trong số này chỉ có 350 điểm dừng có nhà chờ (tương đương 8%). Không ít nhà chờ xe buýt trong khu vực nội thành đã xuống cấp do được đưa vào khai thác từ trước năm 2016. Ngoài ra, hệ số trùng lặp các tuyến buýt trên một số tuyến đường còn cao. Ví dụ trục đường Nguyễn Trãi - Hà Đông có 9 tuyến trùng lặp; trục Giải Phóng - Ngọc Hồi có 14 tuyến trùng lặp; trục Long Biên - Nguyễn Văn Cừ có 13 tuyến trùng lặp; trục Cầu Giấy - Nhổn có 11 tuyến trùng lặp…

Nhằm hợp lý hóa luồng tuyến, ở giai đoạn 1 vừa qua (từ ngày 1-4-2024), Sở GTVT Hà Nội đã điều chỉnh lộ trình 10 tuyến, dừng hoạt động 6 tuyến, điều chỉnh lộ trình kết hợp tần suất dịch vụ với 12 tuyến, điều chỉnh tần suất dịch vụ 43 tuyến. Các tuyến sau điều chỉnh giúp chi phí trợ giá giảm khoảng 193 tỷ đồng/năm song chất lượng dịch vụ vẫn bảo đảm.

Ở giai đoạn 2, Sở sẽ tiếp tục rà soát điều chỉnh dựa trên 5 tiêu chí gồm: Hệ số trùng lặp tuyến, hệ số đường không thẳng, tỷ lệ trợ giá so với chi phí, tỷ lệ trợ giá cho một hành khách, hệ số sử dụng sức chứa. Từ đó xem xét điều chỉnh lộ trình, dịch vụ, sức chứa, dừng hoạt động hoặc tổ chức lại tuyến buýt khi tuyến hoạt động không hiệu quả, tỷ lệ trợ giá chi phí cao, trùng lặp tuyến lớn, nhu cầu đi lại thấp khi các tuyến hết hạn thầu.

Về giải pháp phát triển xe buýt Thủ đô trong các năm tiếp theo, Sở GTVT Hà Nội và đơn vị tư vấn (Trường Đại học GTVT) đã xây dựng đề án. Trong đó, với giải pháp về hạ tầng, đề án dự kiến tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt, lựa chọn các tuyến đường bảo đảm hạ tầng (ít nhất có từ 4 làn xe/hướng, mặt cắt ngang từ trên 15 m/hướng) để bố trí các đoạn, làn ưu tiên cho xe buýt.

Cụ thể, đơn vị tư vấn đề xuất, dự kiến năm 2025 sẽ thí điểm 3 đoạn đường với tổng cộng khoảng 6,5km làn ưu tiên; giai đoạn 2026 đến 2030 đề xuất 12 làn ưu tiên với tổng chiều dài 56,5km; giai đoạn 2031-2035 đề xuất 6 làn ưu tiên với tổng chiều dài 135,9km. Cùng với đó, xây dựng các điểm trung chuyển xe buýt lớn giúp tiếp cận gần các ga đầu mối, ga vành đai của các tuyến đường sắt đô thị, các bến xe liên tỉnh (nội tỉnh), gần khu vực nút giao giữa trục hướng tâm và đường vành đai…

Với giải pháp nâng cao chất lượng phương tiện, chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh, đề án đưa ra 3 kịch bản triển khai đến năm 2035 sẽ hoàn thành gồm: Kịch bản 1 (100% xe buýt điện), kịch bản 2 (70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG), kịch bản 3 (50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG).

TIN LIÊN QUAN