Hà Nội kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản với các tỉnh, thành phố

( CL&CS)- Ngày 23/10, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức Diễn đàn "Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố".

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp khoảng 189.000 ha, chiếm 56% tổng diện tích đất tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm hàng hóa thiết yếu Hà Nội tự sản xuất và cung ứng chỉ đáp ứng từ 30-65% nhu cầu. Hà Nội mong muốn Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phối hợp để triển khai kế hoạch phục vụ Tết và triển khai kết nối cung cầu nông sản; giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội.

Diễn đàn "Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố

Tại Diễn đàn, các địa phương cũng đã đề xuất các hoạt động kết nối, đưa nông sản, trái cây, tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Bà Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn- cho hay, 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh Bắc Kạn đã sản xuất số lượng lớn nông sản đặc sản địa phương như bí xanh, măng khô, miến dong… TP. Hà Nội đã hỗ trợ Bắc Kạn tiêu thụ gần 700 tấn bí xanh thơm. Sắp tới địa phương có 25.000 tấn cam quýt và 2.000 tấn miến dong cần tiêu thụ từ hiện tại cho đến Tết Nguyên đán. Vì vậy, tỉnh Bắc Kạn mong muốn có những chương trình làm việc cụ thể với Hà Nội để trao đổi thông tin yêu cầu cụ thể về sản phẩm để mở rộng thị trường.

Ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, Thái Nguyên đang rà soát quy hoạch, hướng dẫn sản xuất, đầu tư cho cây trồng có thế mạnh của tỉnh như chè, rau, cây ăn quả; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao… Ông Lượng rất mong muốn TP. Hà Nội có cơ chế trao đổi thông tin với các tỉnh về sản lượng nông sản, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng tháng, hàng quý, có định kỳ để địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã có định hướng sản xuất, cung ứng sản phẩm nông sản an toàn cho Hà Nội.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề nghị các địa phương rà soát các sản phẩm thế mạnh và cân đối cung cầu để tập trung nâng cao giá trị sản phẩm. Thị trường Hà Nội sẵn sàng mua giá cao nhưng chất lượng tốt. Cùng với đó, rất mong các tỉnh cần có đầu mối thu mua nông sản để kết nối, tập hợp, giảm chi phí logistics đưa về Hà Nội. Tiếp tục công khai các tiêu chí sản xuất an toàn để các hộ sản xuất chuẩn bị đưa hàng vào các kênh phân phối, ổn định cung cầu và giá cả.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Diễn đàn kết nối hôm nay đã kết nối giao thương tới 350 điểm cầu và hơn 1.000 người tham gia. Tổng kết diễn đàn đã có 30 giao dịch có kết quả.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Việc kết nối nông sản cũng cần phối hợp kiểm soát các nguồn cung nông sản vào thành phố. Cần có cơ chế biểu dương các chủ cơ sở và tập đoàn đảm bảo nguồn cung an toàn vào TP. Hà Nội, cùng đó là phải cảnh báo về những nguồn cung không an toàn, bảo đảm nguồn cung vào Hà Nội đạt yêu cầu về chất lượng và số lượng”.

Lễ ký kết Chương trình hợp tác “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, TP giai đoạn 2021-2025

Trong khuôn khổ của Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình hợp tác “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, TP giai đoạn 2021- 2025”. Ông Trần Thanh Nam cho hay, đây là liên kết vùng phía Bắc về an toàn thực phẩm, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Sắp tới, Bộ NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với TP Cần Thơ để tổ phối hợp tổ chức liên kết vùng với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp đến, Bộ cũng sẽ phối hợp với TP.Hồ Chí Minh về Chương trình đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản giao thương giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, TP.

TIN LIÊN QUAN