Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 1.174/1.206 lễ hội truyền thống được tổ chức. Hầu hết lễ hội diễn ra vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm. UBND TP Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại một số lễ hội lớn, tiêu biểu như: Lễ hội gò Đống Đa, Lễ hội đền Sóc, Lễ hội đền Cổ Loa, Lễ hội đền Hai Bà Trưng, Lễ hội chùa Hương, phủ Tây Hồ... Bên cạnh những tích cực, còn có một số hạn chế trong công tác tổ chức lễ hội năm 2023. Một số địa phương chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho việc tổ chức lễ hội; một số lễ hội vẫn còn tồn tại các dịch vụ hàng, quán bày bán trong di tích gây mất mỹ quan; ý thức tự giác thực hiện văn minh trong giao tiếp, ứng xử của người dân khi tham gia lễ hội còn hạn chế…
Triển khai công tác lễ hội năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tổ chức, tuyên truyền.
Theo đó, các địa phương rà soát, lập danh sách các lễ hội; chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức lễ hội đảm bảo trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức; xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, thành phố công bố đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh về hoạt động lễ hội: 0965404557.
Một trong những nội dung mới của việc triển khai công tác lễ hội năm 2024 đó là ban hành bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Đặt mục tiêu năm 2024, 70% các lễ hội bảo đảm các tiêu chí. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà, hoạt động lễ hội phải phát huy các giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bảo đảm không lãng phí. Các địa phương cần rà soát lại các cấp lễ hội (quy mô, thời gian tổ chức), báo cáo Sở Văn hóa và Thể thao để bảo đảm công tác quản lý; triển khai bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống.