Mới đây, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất trị giá 65.000 tỷ đồng gồm gói tín dụng cấp bù lãi suất và gói tín dụng và cơ chế, chính sách đặc thù. Trước đó, Bộ Xây dựng cho rằng cần sớm bố trí nguồn vốn 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội trong đó có nhà ở công nhân.
Với gói tín dụng cấp bù lãi suất này, 15.000 tỷ đồng sẽ cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo các quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, pháp luật về đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Đối với gói tín dụng trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định với khoảng 50.000 tỷ đồng (khoảng 25% so với nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 là 220.000 tỷ đồng) với lãi suất và thời hạn phù hợp để cho các đối tượng thuộc chương trình vay ưu đãi.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, mục tiêu của gói tín dụng nhằm góp phần thực hiện “Mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra: bảo đảm an sinh xã hội - nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp); thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản.
Chủ đầu tư các dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê, dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua sẽ được vay vốn ưu đãi từ chương trình. Công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp cũng được vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 276.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13,8 triệu m2.
Đối với nhà ở xã hội ở dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2,7 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng diện tích 6,7 triệu m2.
Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Số lượng các dự án đang triển khai thực hiện là 278 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 214.000 tỷ.
Trước đó, ngày 16/10 tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị với Chính phủ nhiều chính sách ưu đãi trong việc xây nhà ở cho công nhân như miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với diện tích đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam...
Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến hệ thống pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương rà soát quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất khu công nghiệp, trường hợp quỹ đất chưa được sử dụng hết, giao chủ đầu tư xây dựng nhà lưu trú để cho thuê, trong đó có Tổng Liên đoàn.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, trường hợp khu công nghiệp có khó khăn về nhà ở công nhân, quỹ đất dịch vụ - thương mại đã sử dụng hết nhưng đất sản xuất công nghiệp chưa sử dụng hết thì UBND tỉnh báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp dành quỹ đất để đầu tư nhà lưu trú công nhân. Trước mắt cho phép đơn vị được đầu tư thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân tại các địa phương có số lượng công nhân đông như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang…