Giảm thiểu carbon - Bối cảnh và cơ hội cho doanh nghiệp
Biến đổi khí hậu (với nguyên chính sự gia tăng phát thải khí CO2 và các khí nhà kính khác) là một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay. Vì thế, giảm thiểu carbon và phát thải ròng bằng 0 (net zero) trở thành từ khoá “nóng” đối với chính sách quốc gia và quốc tế.
Hiệp định Paris (năm 2015) về biến đổi khí hậu được thông qua tại COP21 là một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu. Đóng góp vào nỗ lực đó, Việt Nam đưa ra cam kết đưa phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050 cùng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Bối cảnh này đòi hỏi sự vào cuộc của toàn nền kinh tế, đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo bà Bùi Thị Minh Châu (Project Manager tại Pro NGO! e.V., Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học FAU Erlangen-Nuremberg), các yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp trong nỗ lực hành động khí hậu và giảm thiểu carbon bao gồm nhu cầu thị trường, mối quan tâm của nhà đầu tư, áp lực cạnh tranh, kỳ vọng xã hội, áp lực của chính phủ và áp lực chi phí. Giờ đây, phát triển bền vững theo các tiêu chí ESG không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, là quyết định mang tính sống còn của doanh nghiệp.
Những thay đổi lớn về chính sách lẫn kỳ vọng của xã hội không chỉ thể hiện bước tiến của những nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn mang đến cơ hội để phát triển nền kinh tế xanh. Ông Hồ Việt Hải (Co-founder của Alternō, Founder Liên minh Phát triển bền vững Sustainations) nhấn mạnh: “Những chính sách mới là tiền đề của những cơ hội mới. Doanh nghiệp cần nắm bắt những cơ hội đầu tiên để đạt được mục tiêu xanh hóa nền kinh tế tại Việt Nam và trên thế giới”. Ông cũng khẳng định: “Trong tương lai, carbon chính là tiền”.
Bối cảnh nêu trên đã thúc đẩy một sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận về vai trò của doanh nghiệp trong xã hội, bên cạnh việc tạo ra lợi nhuận. Đó là chuyển từ CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) đến CSV (tạo giá trị chung). Nếu CSR thiên về thực hiện trách nhiệm thì CSV thiên về tạo ra giá trị, tích hợp việc giải quyết các vấn đề xã hội vào quá trình tạo ra giá trị kinh tế của doanh nghiệp. Mối quan hệ chuyển từ thắng-thua đến thắng-thắng, từ đánh đổi đến tất cả các bên cùng có lợi.
TS. Markus Beckmann - Trưởng Bộ môn Quản lý Phát triển Bền vững Doanh nghiệp, Đại học FAU Erlangen-Nuremberg, cho biết: “CSV là một chiến lược quan trọng, bởi khi thực hiện CSV, doanh nghiệp đã đưa các thách thức xã hội vào hoạt động kinh doanh của mình, biến những thách thức đó thành cơ hội kinh doanh. Ở nhiều quốc gia, không nhiều doanh nghiệp nhận ra được tiềm năng của CSV. Chúng ta đang bước những bước đầu tiên, nhưng CSV chắc chắn sẽ sớm trở thành một xu hướng quan trọng trong tương lai và là một tiến trình đáng để theo đuổi”.
Đại diện cho một doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Trốn - Trưởng phòng Môi trường và Tuân thủ, Tập đoàn xi măng INSEE Việt Nam, chia sẻ: “Gắn kết cộng đồng là một trong những trụ cột chính trong tham vọng phát triển bền vững của tập đoàn INSEE Việt Nam đến năm 2030, cùng với Khí hậu và Năng lượng, Kinh tế tuần hoàn, Đa dạng sinh học và sử dụng tài nguyên nước. INSEE có một đội ngũ riêng phụ trách kết nối với cộng đồng địa phương và các bên liên quan để giúp nhà máy hoạt động tốt, cũng như lan toả khái niệm phát triển bền vững, chăm sóc con người, chăm sóc cộng đồng của tập đoàn đến các bên liên quan tại địa phương”.
Bà Nguyễn Thị Hoa - Trung tâm Hợp tác Phát triển Tây Bắc, một đại diện của khối Tổ chức xã hội, chia sẻ: “Khi doanh nghiệp và tổ chức xã hội hợp tác thì có thể tạo nên những tác động, lợi ích cộng hưởng, cùng nhau thúc đẩy và tạo ra những giá trị chung. Các tổ chức xã hội ngoài việc cung cấp tiếng nói phản biện, còn là một nhân tố đóng góp vào việc thực thi, tư vấn, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng để tham gia vào việc vận động, xây dựng những chính sách tốt hơn”.
Cầu nối giải quyết những thách thức
Theo ông Trần Nhật Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển cho biết: khối doanh nghiệp lớn và các tổ chức xã hội nhỏ đang có sự chênh lệch về quy mô, năng lực kỹ thuật mà chưa hợp tác được nhiều với nhau. Các học viên của khóa tập huấn cũng chia sẻ, sự khác biệt về giá trị, mục tiêu giữa các bên và sự cam kết về thời gian lẫn con người là những thách thức lớn trong mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và tổ chức xã hội.
Nhằm tiến đến hợp tác cùng có lợi, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp cần có hoạt động đối thoại tích cực và liên tục giữa hai bên. Điều đó đòi hỏi những hoạt động, sân chơi, cơ chế để thúc đẩy, tạo cầu nối để đưa các bên đến gần nhau hơn, mà khoá tập huấn “Khởi xướng một ý tưởng CSV lĩnh vực giảm thiểu carbon” nói riêng.
ThS. Bùi Thị Minh Châu nhấn mạnh: “Hợp tác giữa doanh nghiệp và tổ chức xã hội phải là mối quan hệ ngang hàng, sòng phẳng và bình đẳng. Trong quá trình hợp tác hướng đến mục tiêu chung, mỗi bên cần phải giữ vững giá trị của mình”.
Những ý tưởng hợp tác tạo giá trị chung từ khoá tập huấn được khuyến khích phát triển thành những dự án thực tiễn, với sự hỗ trợ kỹ thuật và kết nối bởi dự án Win - Win for Vietnam. Không chỉ dừng lại ở những chia sẻ chuyên môn, sự kết nối đầy cởi mở và mang tính phản biện cùng những mối quan hệ hợp tác tiềm năng chính là thành quả lớn mà khoá tập huấn mang đến cho các học viên.
Những ý tưởng được gợi mở, những cái bắt tay của hôm nay được kỳ vọng lan tỏa sâu rộng hơn, phát triển thành những hành động cụ thể, huy động sự tham gia của nhiều bên để cùng nhau xây dựng một Việt Nam bền vững.