Giải pháp thúc đẩy nông sản tiêu chuẩn Halal ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên

(CL&CS)- Thị trường Halal được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Đây là cơ hội cho Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp Halal.

Mới đây, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai và Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (ISAWAAS) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Triển vọng và giải pháp thúc đẩy ngành Halal ở khu vực miền Trung Tây Nguyên”.

Hội nghị nhằm phân tích, đánh giá về tiềm năng thúc đẩy ngành Halal của khu vực miền Trung Tây Nguyên cũng như phổ biến yêu cầu pháp luật, tiêu chuẩn, chứng nhận trong ngành Halal của một số thị trường tiềm năng cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp QUACERT phát biểu tại Hội thảo

Thị trường Halal được đánh giá là một thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và là cơ hội cho Việt Nam. Theo phân tích của Trung tâm phát triển Halal (Malaysia), thị trường Halal toàn cầu ước tính đạt 5.000 tỷ USD năm 2030.

Trong khi đó, so với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ…

Riêng với khu vực miền Trung Tây Nguyên, với đặc điểm lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, đã và đang trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn (cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả… là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người Hồi giáo. Chính vì vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có cơ hội để tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Ông Đào Ngọc Cường, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho hay, diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 1.551.013 ha, đứng thứ 2 cả nước. Với đặc thù là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng, điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển nông, lâm nghiệp quy mô lớn và hội tụ được các yếu tố cần thiết để hình thành trung tâm cây ăn quả, rau, hoa, dược liệu, lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc quy mô lớn. Nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh được xuất khẩu đi 185 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn các mặt hàng nông sản như: Rau quả, chè, cà phê, điều, tiêu, chanh leo... đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, được đánh giá là rất phù hợp với thị trường Halal và được cộng đồng người Hồi giáo ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng nông sản của tỉnh xuất khẩu vào thị trường Halal chủ yếu là thô và sơ chế.

Ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc QUACERT thừa nhận, trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam gặp phải một số khó khăn nhất định đối với sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal. Bên cạnh chi phí đầu tư dây chuyển sản xuất, trang thiết bị để sản xuất sản phẩm Halal, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin về văn hóa thị trường Halal, tiêu chuẩn Halal, quy trình chứng nhận Halal và đặc biệt là việc đạt chứng nhận Halal đa dạng, phù hợp với yêu cầu riêng của từng thị trường.

Theo ông Đào Ngọc Cường, thị trường Halal toàn cầu rất rộng lớn, giàu tiềm năng với 57 quốc gia và tỷ lệ người theo đạo Hồi theo là gần 2 tỷ, chiếm 25% dân số thế giới; để đảm bảo tiêu chuẩn đạt chứng nhận Halal, việc thâm nhập vào thị trường này đòi hỏi từ khâu nuôi trồng cho đến khâu chế biến phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe của cộng đồng người Hồi giáo, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn để mở cửa vào thị trường đầy tiềm năng trong tương lai.

Toàn cảnh hội nghị

Thời gian tới, để đưa các sản phẩm đạt chứng nhận Halal vùng Tây Nguyên nói chung và của tỉnh Gia Lai nói riêng vào các thị trường Halal thế giới cần tập trung vào các định hướng cụ thể như: Tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ngành Halal, văn hóa của cộng đồng Hồi giáo cho người dân, doanh nghiệp, các ngành địa phương; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ Halal của Việt Nam với thị trường toàn cầu; xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp, từng bước hướng tới việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong chứng nhận, quản lý, phát triển tiêu chuẩn Halal.

Hội thảo cũng trao đổi, đánh giá thực trạng, triển vọng ngành Halal tại Việt Nam; xác định các biện pháp, cách thức mới về tăng cường hợp tác và tận dụng các nguồn lực quốc tế để nâng cao năng lực tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal trên toàn cầu và xây dựng định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện, bền vững.

TIN LIÊN QUAN