Giải pháp nào để phát triển giao thông đô thị bền vững tại Việt Nam

(CL&CS)- Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, 2 thành phố lớn đang đối mặt với thách thức rất lớn về giao thông, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là vấn đề giao thông công cộng, phát triển đường sắt đô thị, định hình phát triển đô thị bền vững.

Giao thông đô thị là huyết mạch quan trọng của mọi thành phố, đặc biệt là ở những đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - nơi có tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa rất mạnh mẽ.

2 thành phố đang đối mặt với thách thức rất lớn về giao thông, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là vấn đề giao thông công cộng, phát triển đường sắt đô thị, định hình phát triển đô thị bền vững.

Để tìm ra giải pháp phát triển giao thông đô thị bền vững tại Việt Nam, Báo Lao động đã tổ chức Hội thảo “Giải bài toán phát triển giao thông đô thị”.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng biên tập Báo Lao Động cho hay, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, 2 thành phố lớn đang đối mặt với thách thức rất lớn về giao thông, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là vấn đề giao thông công cộng, phát triển đường sắt đô thị, định hình phát triển đô thị bền vững.

Ông Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng biên tập Báo Lao Động

Trong đó, phát triển giao thông đô thị theo hướng bền vững phải hài hoà, cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với gìn giữ bảo vệ môi trường. Đây cũng là một thách thức lớn. Với hệ thống đường sắt đô thị - trục “xương sống” của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đang được cả 2 thành phố đặc biệt quan tâm. Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông,... - Phó Tổng biên tập Báo Lao động nhấn mạnh.

Hội thảo “Giải bài toán phát triển giao thông đô thị chỉ rõ thực trạng hệ thống giao thông đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các thành phố lớn ở nước ta hiện nay, trong đó tập trung vào 2 thành phố là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, mỗi năm số phương tiện tại Hà Nội tăng khoảng 390.000 phương tiện, mỗi tháng tăng 32.750 xe, mỗi ngày tăng 1.100 xe.

Hiện nay Hà Nội có hơn 7,8 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm hơn 6 triệu xe máy, hơn 1 triệu ô tô các loại, chưa kể đến 1,2 triệu phương tiện đến từ các địa phương lân cận.

Nhằm hạn chế ùn tắc, giảm tải áp lực tại các trung tâm đô thị, nhiều địa phương trong có Hà Nội từng dự kiến cấm xe máy vào nội đô. 

Chia sẻ về vấn đề trên, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông nhìn nhận, những dòng xe (kể cả xe cá nhân) chạy trên đường chính là mạch máu giao thông nuôi sống nền KT- XH của đất nước. Do vậy, nguyên tắc chống ùn tắc là vẫn phải đảm bảo duy trì cho các nhu cầu, các phương thức đi lại, chứ không được gây ảnh hưởng, làm giảm mật độ của những dòng xe. 

TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giao thông Vận tải 

“Việc cấm một bộ phận người dân sử dụng xe hợp pháp để mưu sinh thực chất đã trực tiếp làm giảm sinh lực của nền KT-XH. Đó là điều bất hợp lý và phản khoa học”, ông Thủy nhấn mạnh.

Theo ông Thủy, hiện nay phương tiện công cộng mới chỉ đảm bảo 10-12% nhu cầu đi lại của người dân. Câu hỏi đặt ra là: Nếu giảm ùn tắc bằng cách cấm xe cá nhân, đặc biệt là xe máy, thì trên 80% người dân sẽ đi lại bằng gì để mưu sinh? Hệ lụy sẽ rất trầm trọng, trực tiếp tác động xấu đến an sinh của hàng triệu người lao động, làm cuộc sống của họ thêm khốn đốn vì bị mất “cần câu cơm”. 

Ngoài ra, các chuyên gia tham dự tại Hội thảo cùng thảo luận kinh nghiệm trong công tác quản lý, tổ chức, thực hiện các nội dung thuộc lĩnh vực giao thông đô thị như xây dựng văn hóa giao thông, phát triển TOD, ứng dụng công nghệ trong phát triển giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Các ý kiến tham luận đóng góp cho Hội thảo sẽ được các cơ quan quản lý tiếp thu, góp phần xây dựng những kế hoạch, mục tiêu đặt ra để phát triển hệ thống giao thông đô thị bền vững, không những của thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà còn có sự ảnh hưởng xúc tác phát triển, liên kết hệ thống với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước trong thời gian tới.

TIN LIÊN QUAN