Có đến 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong bối cảnh nhu cầu nhà ở không ngừng tăng thì hàng chục nghìn căn hộ phục vụ tái định cư đã hoàn thiện tại các thành phố lớn lại đang bỏ hoang. Ghi nhận của VARS cho thấy, tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, nhiều khu tái định cư có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, thậm chí có những tòa nhà không có người ở.
Chỉ tính riêng Hà Nội và TP. HCM, có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, không người đến ở, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.
Tại Hà Nội, theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ và khoảng 4.000 căn chung cư bỏ hoang. Nhiều dự án tái định cư có người dân về ở, có diện tích kinh doanh dịch vụ cũng bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.
Còn tại TP. HCM, theo thống kê của Sở Xây dựng, có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, tập trung nhiều nhất tại TP. Thủ Đức, huyện Bình Chánh.
Việc hàng chục nghìn căn hộ bỏ hoang trong khi nhiều người dân không có nhà ở là hiện tượng bất hợp lý. Khảo sát của VARS cho biết, trung bình mỗi năm, ước tính mỗi đô thị đặc biệt thiếu hụt ít nhất 50.000 căn hộ.
Chuyên gia lý giải vì sao hàng nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang nhiều năm
Thực tế ghi nhận tại Hà Nội, nhiều dự án nhà tái định cư đã hoàn thiện phần thô, thậm chí đã hoàn thành nhưng chưa thể đón người dân vào ở do vướng mắc vấn đề pháp lý.
Đơn cử như tại dự án khu tái định cư Đền Lừ III (Hoàng Mai, Hà Nội), dù đã hoàn thành năm 2017 nhưng sau hơn 7 năm, hàng nghìn căn hộ tại dự án này vẫn chưa được nghiệm thu do còn một số tồn tại cần khắc phục, trong đó có vấn đề phòng cháy chữa cháy.
Trong khi đó, dự án nhà tái định cư trong Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) hiện cũng trong tình trạng bỏ hoang do vướng mắc pháp lý khi Long Biên được chuyển tiếp từ huyện thành quận.
Có thể thấy, mỗi dự án đều có vướng mắc riêng, nhưng điểm chung là tất cả đều hiện đang bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của người dân đang ngày càng trở nên bức thiết, việc có nhà để an cư lập nghiệp đang là mơ ước của nhiều người dân sinh sống và làm việc tại Thủ đô.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, con số hơn 10.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang vừa được công bố mới đây chỉ tính các dự án được nhà nước đầu tư. Ngoài ra, còn rất nhiều dự án tái định cư do doanh nghiệp được giao tham gia cũng chưa thể bàn giao trong thời gian qua do các vấn đề pháp lý gặp khó khăn.
Điều đó có nghĩa, trên thực tế, số căn hộ tái định cư bị bỏ hoang hiện lớn hơn nhiều so với số liệu công bố. Các tòa nhà xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả khiến toàn bộ hạ tầng và các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.
"Đối với những quỹ căn hộ bị bỏ hoang này sẽ bị xuống cấp, hư hỏng theo thời gian, do đó sau này muốn bàn giao lại cho người dân cũng không thể được", đại diện VARS cho hay.
Lý giải thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính phân tích, do nhiều khu tái định cư được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích và dịch vụ công cộng. Điều này làm giảm sức hấp dẫn và gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển và sinh hoạt.
Một số dự án tái định cư gặp vấn đề về chất lượng xây dựng như vật liệu kém chất lượng, thiết kế không hợp lý và thi công không đạt chuẩn. Những vấn đề này khiến người dân không muốn chuyển đến ở.
Bên cạnh đó, nhiều khu tái định cư thường thiếu hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ và hệ thống giao thông... làm giảm chất lượng sống và sự tiện lợi cho cư dân.
Ngoài ra, mức đền bù chưa thỏa đáng và chính sách tái định cư theo Luật Đất đai hiện hành còn chưa hợp lý khiến nhiều người dân không muốn chuyển đến nơi ở mới hoặc không đủ khả năng để sống tại các khu tái định cư vì toàn bộ số tiền được đền bù không đủ để mua suất tái định cư được giao.