Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và chỉ duy nhất nhóm dịch vụ bưu chính viễn thông giảm 0,04%.
Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 2/2022 tăng mạnh nhất trong tất cả nhóm hàng hóa và dịch vụ khi tăng 2,35% so với tháng trước do giá xăng, dầu tăng 5,8% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm. Giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 3,92% so với tháng trước do một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá phụ thu khi giá xăng dầu tăng và ảnh hưởng của dịch bệnh hạn chế chở số lượng khách.
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 2/2022 có tốc độ tăng thấp hơn nhóm giao thông khi tăng 1,54% so với tháng trước nhưng tác động làm CPI chung tăng 0,52 điểm phần trăm trong 1 điểm phần trăm của CPI chung.
Mộ số yếu tố ảnh hưởng đến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống gồm, giá gạo tăng nhẹ do giá xuất khẩu duy trì ở mức cao khi các thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Trung Quốc… tăng cường nhập khẩu và ở trong nước, nhu cầu tiêu dùng các loại gạo tẻ ngon, gạo nếp tăng vào dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng.
Các mặt hàng lương thực chế biến khác cũng tăng trong dịp Tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng như bún, bánh phở tươi, bánh đa khô, miến, mì sợi, mì, phở, cháo ăn liền…
Nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng vào Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng khiến hàng loạt mặt heo như thịt heo, thịt gia cầm, thủy sản tươi sống, thịt quay, giò, chả, thịt hộp, thịt chế biến…. hay các loại bánh, mứt, kọ, cà phê, chè… tăng cao. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng rau, củ, gia vị giảm do nguồn cung dồi dào.
Lạm phát cơ bản tháng 2/2022 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,67% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,68%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.