Từ đầu năm đến tháng 7, Nhằm bình ổn giá xăng dầu đã có 3 đợt giảm liên tiếp đưa mặt hàng này về ngang mức giá hồi tháng 2.
Tuy nhiên, giá bán lẻ trong nước phụ thuộc vào giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Theo Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm thế giới vẫn sẽ biến động bất thường, khó lường trong quý III, dao động 145-155 USD một thùng, tức tăng 73-100% so với cùng kỳ 2021.
Hiện thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của Việt Nam là các nước ASEAN, Hàn Quốc do được hưởng lợi về thuế suất nhập khẩu ưu đãi 8% theo FTA, 0% với dầu. Để đa dạng thị trường nhập khẩu mặt hàng này, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề xuất giảm một nửa thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng, về còn 10%. Chính sách này được kỳ vọng sẽ đa dạng nguồn cung xăng từ các nước như Trung Quốc, Mỹ, khu vực Trung Đông, Nam Mỹ... tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.
Với ngưỡng giá dự báo này, giá bình quân thành phẩm xăng dầu thế giới năm 2022 ở mức 130-140 USD một thùng, tăng 66-90% so với 2021. Nhưng nhờ các công cụ điều hành từ giảm thuế môi trường, quỹ bình ổn... bình quân giá bán lẻ trong nước so với 2021 tăng khoảng 35-39% với xăng, 51% với dầu.
Tiếp tục nghiên cứu các phương án giảm giá xăng dầu
Liên quan giảm thuế xăng dầu, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn về việc nghiên cứu đề xuất giảm các loại thuế, phí. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh.