Giá thép liên tục đi xuống
Theo tổng hợp thông tin của chúng tôi, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp thép xây dựng trong nước tiếp tục giảm giá sản phẩm. Việc giảm giá này diễn ra từ khoảng giữa tháng 5/2022 sau khi trước đó đã có khá nhiều lần giảm giá.
Ví dụ như Thép Việt Nhật công bố giảm 1,01 triệu đồng/tấn cho loại CB240 và D10 CB300. Sau khi giảm, giá hai loại thép trên còn lần lượt là 17,81 triệu đồng/tấn và 17,91 triệu đồng/tấn.
Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất ngành thép cũng vừa công bố giảm 800.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 tại thị trường miền Bắc, xuống còn 17,83 triệu đồng/tấn. Cũng tại khu vực này, thép D10 CB300 hạ 460.000 đồng/tấn xuống còn 18,28 triệu đồng/tấn. Tại khu vực miền Nam, giá hai loại trên giảm lần lượt 750.000 đồng/tấn và 510.000 đồng/tấn xuống còn 17,93 triệu đồng/tấn và 18,28 triệu đồng/tấn. Trước đó, ngày 11/5, doanh nghiệp này điều chỉnh giảm 300.000 - 310.000 đồng/tấn, tùy loại thép.
Thép Việt Ý cũng không ngoài cuộc chiến giảm giá thép khi 2 loại thép CB240 và D10 CB300 được điều chỉnh giảm lần lượt 570.000 đồng/tấn và 450.000 đồng/tấn xuống còn 17,98 triệu đồng/tấn và 18,23 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức, Thép Kyoei., Thép miền Nam cũng tương tự khi điều chỉnh giảm giá thép bán ra ở rất nhiều mặt hàng.
Như vậy là, từ đầu năm đến nay, giá thép nhiều lần điều chỉnh tăng giá nhưng những tháng gần đây đã điều chỉnh giảm sốc nhanh chóng.
Vì sao giá thép điều chỉnh giảm sâu trên diện rộng?
Trong các cụm yếu tố tác động đến giá thép thì ngoài yếu tố vĩ mô như tốc độ tăng trưởng GDP, lạm phát, lãi suất, tỷ giá hối đoái...thì câu chuyện giá nguyên liệu đầu vào đang là vấn đề lớn nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất.
Theo báo cáo thường niên năm 2021 phát hành vào tháng 4/2022 của Tập đoàn Hòa Phát, tỷ trọng nhập khẩu chiếm 73% tổng giá vốn toàn tập đoàn năm 2021 cho thấy lượng nguyên vật liệu đầu vào của tập đoàn như than, quặng… phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung cấp hàng từ nước ngoài. Giá trị nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, vì vậy tỷ giá ảnh hưởng rất lớn tới chi phí sản xuất. Tỷ giá tăng dẫn tới chi phí mua nguyên liệu tăng, chi phí tài chính tăng. Do vậy quản trị rủi ro tỷ giá là công việc cần được xử lý hàng ngày. Bên cạnh đó, với việc sử dụng các khoản vay, công cụ tài chính, sản phẩm phái sinh có lãi suất, đặt ra những thách thức cho Hòa Phát về quản trị rủi ro lãi suất đảm bảo quản lý hiệu quả chi phí lãi vay.
Cũng theo thông tin trên báo cáo thường niên của Hòa Phát, không chỉ lao đao vì dịch bệnh, thép xuất khẩu còn đối diện với hàng loạt nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại khi ra thị trường thế giới, khiến cho ngành thép Việt Nam phải đối mặt với khó khăn kép trong năm 2021. Ðặc biệt, thép nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ đang ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ trong nước. Xu thế bảo hộ trên thị trường quốc tế vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, thị trường bất động sản, xây dựng trong nước chưa có tín hiệu khởi sắc.
Lợi nhuận của các "ông lớn" ngành thép sẽ ngày càng mỏng?
Giá thép giảm đương nhiên là tin vui cho người tiêu dùng thép. Tuy nhiên, lại là nỗi buồn của các "ông lớn" ngành thép và nhà đầu tư vào cổ phiếu thép. Lý do nằm ở chỗ, việc giảm giá lần này có thể chủ yếu bắt nguồn từ áp lực cạnh tranh chứ không phải do chi phí đầu vào giảm sâu. Áp lực cạnh tranh giảm giá bán trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép giảm dần và thép nhập khẩu rẻ hơn khiến các doanh nghiệp ngành thép đang bị "bào mòn" dần biên lãi gộp, chấp nhận bán hàng với biên lợi nhuận thấp hơn trước đây rất nhiều.
Nguyên nhân cơ bản đến từ việc áp lực giảm giá thép bán ra đến từ việc giá phôi thép-nguyên liệu đầu vào chính-của ngành thép đang lao dốc mạnh. Trong khi đó, các yếu tố đầu vào khác vẫn đang neo ở mức giá rất cao. Ví dụ như chi phí vận chuyển đang neo ở mức rất cao do giá dầu đang neo bền vững trên 100USD/thùng.
Thống kê của chúng tôi về biên lợi nhuận gộp của "anh cả" ngành thép là HPG cho thấy, quý 4/2021 đến nay, trạng thái bào mòn dần biên lợi nhuận gộp đã diễn ra mạnh mẽ. Từ mức biên lãi gộp trên 30% hồi quý 2/2021, quý 3/2021 thì biên lãi đã giảm dần đều xuống còn 21-22% tính đến quý 1/2022. Nếu trạng thái giảm giá bán ra tiếp tục vào tháng 4-5 năm nay thì biên lợi nhuận gộp cho kỳ quý 2/2022 có thể còn eo hẹp hơn nữa!
Biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát từ Q1/2021 đến nay
Một thông tin đáng chú ý khác nữa đó là các doanh nghiệp thép nói chung và Hòa Phát nói riêng đang duy trì số dư hàng tồn kho "khủng" ở nền giá nguyên vật liệu sản xuất thép cao. Chính vì thế, "gap" giữa đầu vào-đầu ra đang ngày càng nới rộng ra.
Theo thống kê trên báo cáo tài chính năm 2021, số dư hàng tồn kho của Hòa Phát tại thời điểm giá nguyên liệu sản xuất thép vẫn đang neo ở mức cao so với hiện tại lên đến 42.370 tỷ đồng. Như vậy, Hòa Phát đang phải bán thép thành phẩm giá giảm dần đều trong khi nguyên liệu đầu vào sản xuất mua ở nền giá rất cao. Hay nói dễ hiểu hơn, việc "đu đỉnh" nguyên liệu đầu vào trong khi giá bán ra không những không tăng mà còn giảm dần đều đang gây áp lực lớn đến biên lợi nhuận của Tập đoàn thép hàng đầu Việt Nam này.