Giá nhà vượt thu nhập của người trẻ?
Trong những năm gần đây, giấc mơ sở hữu một căn nhà của người trẻ ngày càng trở nên xa vời khi giá nhà liên tục leo thang trong khi thu nhập không tăng tương xứng. Thực tế này đang đặt ra một bài toán khó không chỉ cho cá nhân người lao động trẻ mà còn cho cả chính sách an sinh và phát triển đô thị bền vững của các thành phố lớn.
Ở một chia sẻ mới đây, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết, khảo sát thị trường bất động sản gần đây cho thấy người trẻ trong độ tuổi từ 22 đến 40 đang dần trở thành nhóm khách hàng chủ lực trên thị trường nhà ở, thay thế nhóm trung niên.
“Nhu cầu sở hữu nhà ở của người trẻ tại Việt Nam đang ở mức cao chưa từng có, cả về số lượng và tỉ trọng trong cơ cấu người mua. Tuy nhiên, mức tăng thu nhập chưa theo kịp đà tăng giá nhà ở, khiến khả năng sở hữu thực tế của phần lớn người trẻ còn rất hạn chế. Để mua một căn hộ trung bình 70m2 với giá từ 3 - 4 tỉ đồng tại đô thị lớn, người trẻ cần tích lũy trong khoảng 20 - 25 năm. Tỉ lệ giá nhà so với thu nhập hiện nay ở Việt Nam thuộc nhóm rất cao, tức rất khó tiếp cận” - ông Hưng chia sẻ.
Ngoài ra, một thực tế đang diễn ra là cơ cấu nhà ở không phù hợp với nhu cầu. Trên thị trường, nguồn cung chủ yếu là căn hộ trung – cao cấp, trong khi nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội – vốn phù hợp với khả năng chi trả của người trẻ – lại khan hiếm. Dự án nhà ở xã hội tuy được khuyến khích nhưng vẫn vướng nhiều thủ tục pháp lý và thiếu quỹ đất triển khai.
Để giải bài toán này, theo các chuyên gia, Nhà nước cần có các chính sách mạnh mẽ hơn trong việc phát triển nhà ở xã hội, hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp cho người mua nhà lần đầu, đồng thời kiểm soát giá đất và chi phí phát triển dự án. Về phía doanh nghiệp bất động sản, cần thay đổi tư duy thị trường, hướng đến phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả thực tế của người dân trẻ.
Đòn bẩy tài chính có phải “cứu cánh”?
Dưới góc nhìn tài chính, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, đòn bẩy tài chính không chỉ là khoản vay ngân hàng mà còn gồm nhiều yếu tố như sự hỗ trợ từ gia đình, kinh nghiệm, thời gian và tài sản của người khác. Ông cảnh báo người trẻ cần tỉnh táo, không nên vay khi thu nhập chưa đủ vững. “Nếu vay 100 đồng mà mỗi tháng phải trả 70 đồng cả gốc lẫn lãi, đó là ngưỡng vỡ nợ”, ông nói.
TS. Vũ Đình Ánh đưa ra 3 điểm tựa quan trọng: Chọn căn nhà phù hợp, chọn đối tác tài chính đáng tin cậy và lên kế hoạch tài chính cá nhân bài bản. Đồng thời, người vay cần chuẩn bị trước các tình huống xấu như mất việc, bệnh tật… để không rơi vào bẫy tín dụng.
Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, đưa ra cảnh báo, trong bối cảnh tài chính eo hẹp, đòn bẩy tín dụng được xem là công cụ then chốt giúp người trẻ tiếp cận nhà ở nhưng nếu sử dụng sai cách, đòn bẩy này có thể biến thành "vòng xoáy nợ nần".
Vì vậy, để tránh "đòn bẩy tài chính" trở thành "vòng xoáy nợ nần", người trẻ cần có sự tính toán kỹ càng về khả năng trả nợ trước khi vay.
Người vay chỉ nên vay tối đa 80% giá trị căn nhà và đảm bảo khoản trả nợ hàng tháng không vượt quá 50% thu nhập ròng. Ngoài ra, có quỹ dự phòng ít nhất 6–12 tháng chi phí trả nợ để tránh rơi vào khủng hoảng nếu thất nghiệp hoặc biến động kinh tế.
Ngoài ra, ông cho biết thêm, hiện lãi suất cho vay thương mại tại Việt Nam đang ở mức 8-10%/năm, vẫn là khá cao so với thu nhập của người trẻ. Trong khi đó, thời hạn vay thường chỉ 15-20 năm, ngắn hơn so với khả năng chi trả thực tế, khiến áp lực trả nợ hàng tháng rất lớn.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, để hạn chế tình trạng "vỡ nợ", cần tăng cường chấm điểm tín dụng cho mỗi cá nhân: "Điểm càng cao thì càng dễ vay, điểm thấp thì càng khó vay, trả lãi cao".