Chia sẻ với báo chí, Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 139 xã (chiếm gần 75% số xã toàn tỉnh) có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến; khoảng 20% doanh nghiệp có giao dịch TMĐT, tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT, mạng xã hội, website thương mại bán hàng, các ứng dụng TMĐT bán hàng; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động”.
Tuy nhiên, theo ông Binh, hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok) hay các sàn TMĐT (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Voso, Postmart...) còn thấp. Mặt hàng trên sàn TMĐT của các doanh nghiệp, cơ sở phần lớn là hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng thông thường. Những mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương như: cà phê, hồ tiêu, hạt điều, mắc ca, mật ong... chiếm tỷ trọng nhỏ.
Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế; khả năng quản trị website, thao tác trên các sàn TMĐT, kỹ năng ứng dụng các phần mềm chăm sóc khách hàng, quản lý đơn hàng, chiến lược bán hàng, marketing, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp còn chưa cao.
Thời gian qua, ngành Công thương đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đẩy mạnh ứng dụng TMĐT. Các giải pháp về công nghệ, trong đó có ứng dụng AI vào hoạt động kinh doanh kênh online đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho người sản xuất kinh doanh trong hoạt động của mình. Việc ứng dụng AI đang dần trở thành xu hướng tất yếu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, AI có thể được sử dụng để tăng cường trải nghiệm người dùng trong TMĐT thông qua việc phân tích dữ liệu từ việc chọn mua sản phẩm, tần suất mua hàng, giá trị đơn hàng, thời điểm mua hàng, lịch sử tìm kiếm, tương tác với người bán để dự đoán hành vi mua hàng trong tương lai.
Bên cạnh đó, dựa trên việc phân tích dữ liệu đa kênh từ nhiều nguồn khác nhau như mạng xã hội nhằm hiểu rõ hơn về khách hàng như thông tin về độ tuổi, giới tính, vùng địa lý cũng như hành vi, sở thích, xu hướng tiêu dùng của khách hàng để có đề xuất sản phẩm phù hợp, điều chỉnh các chiến lược marketing, tránh việc lãng phí do tiếp cận không đúng đối tượng khách hàng.
Mặt khác, AI có thể được sử dụng để tự động hóa các quy trình trong TMĐT, từ việc đặt hàng, kiểm tra, thanh toán, vận chuyển, dịch vụ chăm sóc khách hàng. AI cũng có thể phát hiện các hành vi gian lận, các mối đe dọa an ninh, bảo vệ thông tin cá nhân trong các giao dịch trực tuyến.