Gia Lai là tỉnh miền núi - biên giới có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 46,23% dân số toàn tỉnh. Đặc biệt, có 176/220 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Đăk Rong (xã Đăk Rong, huyện Kbang) được đầu tư xây dựng và hỗ trợ kinh phí tổ chức bữa ăn đủ dinh dưỡng cho học sinh toàn trường.
Bước vào năm học mới, tỉnh Gia Lai có 757 trường mầm non và phổ thông với trên 418.000 học sinh/ 12.265 lớp. Trong đó, tỷ lệ học sinh người DTTS chiếm trên 46%. Trên địa bàn tỉnh có 17 trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú, 22 trường PTDT bán trú, 27 trường phổ thông có học sinh bán trú.
Cùng với công tác chuẩn bị, đảm bảo cơ sở vật chất, các trường có tổ chức bếp ăn bán trú tại vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Gia Lai nơi có con em đồng bào DTTS đang theo học luôn được Ban giám hiệu quan tâm, chăm lo từng bữa ăn cho học sinh với chất lượng và dinh dưỡng tốt nhất.
Tại Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Đăk Rong (xã Đăk Rong, huyện Kbang), trong lúc các em tập trung học tập với các giáo viên bộ môn, thì cũng là lúc các loại thực phẩm tươi, xanh đã được phía nhà trường chế biến, chuẩn bị các món ngon cho các em ngay khi buổi học sáng kết thúc.
Giờ học ngoại khóa tại Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Đăk Rong.
Những bữa cơm đơn sơ với 3 móm rau, thịt, canh và món ăn phụ nhưng đảm bảo chất lượng, đủ dinh dưỡng cho cả ngày học tập tại trường của các em. Việc tổ chức bếp ăn tại Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Đăk Rong đã tạo thêm điều kiện để các thế hệ học sinh nơi vùng khó của huyện Kbang ra sức học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương. Hiện toàn trường có trên 600 học sinh/20 lớp từ lớp 1 đến lớp 9, trong đó hơn 93% là DTTS Bahnar.
Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Đăk Rong quan tâm, chăm lo bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và đúng khẩu phần cho các học sinh.
Ông Nguyễn Việt Quốc, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Đăk Rong (xã Đăk Rong, huyện Kbang) cho biết: Đối với nhà trường, địa bàn các làng nằm rải rác rất xa, có làng nằm cách trường 20km, với tinh thần trách nhiệm, nhà trường tập trung học sinh các làng về ăn ở, học tập tại trường.
Đặc biệt, các em học sinh lớp 1, 2, 3 còn nhỏ nên việc chăm sóc cũng khó khăn, tuy nhiên nhà trường cũng cố gắng, phân chia các cô giúp đỡ để các em ăn, ở, học, sinh hoạt tại trường với tinh thần, sức khỏe và học tập tốt nhất, ông Nguyễn Việt Quốc, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Đăk Rong chia sẻ.
Vui mừng khi con em mình được nhà trường lo hết từ việc học đến ăn uống mỗi ngày, ông Bơn (làng Hà Đừng, xã Đăk Rong, huyện Kbang) nói: Con mình từ lớp 1 đến lớp 5 đã được nhà trường dạy dỗ, cho ăn uống đủ sức khỏe và học tốt. Cha mẹ có đủ thời gian để đi làm rẫy, có thêm chi phí lo cuộc sống và cho con đi học sau này. Cả làng mình có nhiều học sinh được học ở trường Đăk Rong, ai cũng mừng lắm.
Trường mẫu giáo 30/4 xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai tổ chức mô hình bán trú, đảm bảo bữa ăn được nhiều phụ huynh lựa chọn.
Tương tự, tại Trường mẫu giáo 30/4, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai có 504 học sinh với 10 điểm bán trú tại 9 điểm làng của xã Ia Dêr cũng được chính quyền, ngành giáo dục và nhân dân tại địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng bếp ăn, chế biến, cung cấp thức ăn trưa cho các điểm trường trong làng đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiệu trưởng Trường mẫu giáo 30/4, bà Đỗ Thị Nga cho biết: Nhà trường hiện tổ chức 02 mô hình bán trú có phục vụ ăn trưa tại trường. Riêng với điểm lẻ cách xa trường chính thì áp dụng mô hình phụ huynh đưa cơm cho con. Các khẩu phần ăn được phụ huynh thống nhất chọn lựa đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ hoạt động cả ngày. Thông qua mô hình, nhà trường duy trì tốt học sinh đến lớp, số trẻ suy dinh dưỡng cũng giảm và được phụ huynh tin tưởng gửi con.
Lớp bán trú tổ chức tại làng Jut 1 là điểm trường được các phụ huynh đồng thuận và tự chuẩn bị buổi ăn trưa cho các con tại trường.
Chị Ksor H’ben (làng Jút 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) vui mừng nói: Gia đình tôi lo việc ruộng, rẫy nhiều, từ khi có điểm trường học tại làng cả làng mình vui lắm. Con được học nhiều điều hay và các cô rất nhiệt tình chăm sóc, con mình ăn ngủ tốt. Tôi rất yên tâm cho con học ở đây.
Việc đẩy mạnh công tác dạy học, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần quan trọng trong việc huy động và duy trì học sinh trong độ tuổi ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, hàng năm, khoảng 35% học sinh tại các trường Phổ thông DTNT huyện, thị xã được tiếp tục học tại các trường Phổ thông DTNT cấp tỉnh, số còn lại học tại các trường THPT trên địa bàn, học nghề. Chất lượng giáo dục được nâng lên mỗi năm.
Việc học tập, chăm sóc sức khỏe được tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư góp phần nâng cao dân trí và bổ sung nhân lực chất lượng cho địa phương trong tương lai.
Đánh giá về hoạt động giáo dục, chăm sóc cho học sinh DTTS tại các trường trên địa bàn tỉnh, ông Trần Bá Công, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho rằng: Mô hình bán trú, nội trú của tỉnh thuận lợi trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng giúp cho học sinh thuận lợi cho việc học tập. Đảm bảo công tác chăm sóc, nuôi dưỡng thực hiện theo quy định và chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước.
Khi học sinh được học ở các trường THPT nội trú, bán trú sẽ thực hiện với phương châm 3 đủ “đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở” và 6 hơn ở nhà: ăn no hơn, ở tốt hơn, điều kiện học tập tốt hơn, vui hơn, an toàn hơn và thích học hơn. Ngoài ra, các học sinh tại các Trường dân tộc nội trú, bán trú còn được hưởng nhiều chế độ chính sách góp phần nâng cao chất lượng, thể chất cho học sinh là DTTS, ông Trần Bá Công, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết thêm.
Việc tổ chức tốt bữa ăn bán trú cho các em học sinh đang triển khai tại nhiều trường trong tỉnh Gia Lai đã góp phần đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe, thể trạng giúp các em đủ sức học tập, tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai tại địa phương nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống.