Giá hàng hoá tăng vọt, lạm phát của Việt Nam sẽ thế nào?

(CL&CS) - Giá hàng hoá tăng vọt được đánh giá là sẽ khiến lạm phát tại Việt Nam tăng theo nhưng vấn đề được quan tâm chính là lạm phát tăng đến mức nào.

Giá dầu tác động mạnh lên lạm phát

Từ cuối năm 2020 đến nay, thị trường hàng hoá liên tục tăng mạnh, từ giá dầu, giá cà phê, giá cao su, giá quặng đến giá ngô,… đồng loạt đạt các mức cao mới. Tại Việt Nam, giá hàng hoá tăng chắc chắc sẽ tác động đến lạm phát nhưng theo Công ty chứng khoán BSC, có một loại hàng hoá có sức ảnh hưởng nhất.

“Xu hướng vận động của giá dầu Brent sẽ có tác động mạnh lên lạm phát ở Việt Nam. Nhóm cà phê có ảnh hưởng nhỏ lên lạm phát”, BSC nhấn mạnh vào ảnh hưởng to lớn của giá dầu đến CPI Việt Nam.

Giá hàng hoá tăng vọt được đánh giá là sẽ khiến lạm phát tại Việt Nam tăng theo nhưng vấn đề được quan tâm chính là lạm phát tăng đến mức nào.

BSC bình luận nếu đúng theo kịch bản đề ra, xu hướng vận động của nhóm hàng hóa thế giới có thể khiến CPI Việt Nam tăng thêm +1,63% vào cuối năm. Với mức tăng như vậy, CPI vẫn đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng dưới 4% của Chính phủ.

Nếu diễn biến giá hàng hóa xảy ra đúng như dự báo, BSC nâng hạn mức dự báo lạm phát năm 2021 từ 2,7-3,0% lên mức 3,3%-3,6% vào cuối năm 2021. Vì vậy, BSC đánh giá lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát giúp cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì thanh khoản dồi dào nhằm hỗ trợ nền kinh tế hạn chế ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Do áp lực tại kinh tế nội địa khá thấp nên các yếu tố tác động lên chính sách tiền tệ Việt Nam nhiều khả năng sẽ đến từ động thái các ngân hàng trung ương của các cường quốc trên thế giới, trong đó chủ yếu là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

“Nếu FED tiếp tục duy trì chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế và đặt mức lãi suất thấp, Việt Nam nhiều khả năng tiếp tục ủng hộ chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại”, BSC dự báo.

BSC cho biết thêm nếu FED quyết định thắt chặt, Việt Nam cũng có thể sẽ nâng mức lãi suất và thắt chặt lại xu hướng tăng trưởng kinh tế. Trường hợp này khó xảy ra khi các quốc gia trên thế giới vẫn đang hướng tới chính sách phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đợt bùng nổ của dịch bệnh Covid-19.

Giá dầu tiếp tục tăng

BSC đã đưa ra đánh giá về thị trường dầu khí thế giới. Theo BSC, triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu năm 2021 cải thiện nhờ kỳ vọng hồi phục nền kinh tế, trong khi đó triển vọng nguồn cung dầu thắt chặt do nhóm OPEC tăng cường cắt giảm sản lượng trong 4 tháng đầu năm 2021 và hoạt động khai thác dầu của Mỹ phục hồi chậm.

Giá dầu Brent đã tăng liên tiếp 05 tháng từ tháng 11/2020 và vượt ngưỡng 65 USD/ thùng. Các tổ chức và định chế lớn trên thế giới dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2021 ở mức 57 USD/thùng (+36%).

Về thị trường dầu khí trong nước, BSC cho biết sản lượng khai thác dầu thô và khí tự nhiên giảm do suy kiệt các mỏ lâu năm. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, khí tự nhiên dự kiến tăng lần lượt 3%/năm, 10,5%/năm và 14%/năm trong giai đoạn tới.

BSC kỳ vọng ngành dầu khí sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021 do: Giá dầu hồi phục 36% giúp cải thiện triển vọng kinh doanh và mức định giá của các doanh nghiệp dầu khí.

Triển vọng hồi phục nền kinh tế cải thiện nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, khí đốt cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận tải. Tình trạng thiếu hụt dầu mỏ - khí mỏ trong nước thúc đẩy nhu cầu đầu tư các dự án thăm dò, khai thác các mỏ mới.

TIN LIÊN QUAN