Gia đình đại trí thức ở Việt Nam có 5 cha con là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, dâu rể cũng đều là giáo sư, nhà giáo, cán bộ cao cấp trong quân đội

Tại quê hương Hà Tĩnh, có một gia đình đặc biệt đã ghi dấu ấn trong lịch sử học thuật với danh xưng “gia đình hiếu học” ở Việt Nam.

Một gia đình quê Hà Tĩnh đã trở thành hình mẫu cho tinh thần hiếu học và sự nỗ lực vươn lên trong học vấn. Gia đình của Phó Giáo sư (PGS) Lê Bá Hán, quê ở xã Đức Bồng, huyện Vũ Quan có đến 5 cha con đều là giáo sư, phó giáo sư; 4 người con đều là tiến sĩ, và dâu rể cũng đều là những người có vị trí cao trong giới học thuật và quân đội.

Hành trình vượt khó đi “kiếm” con chữ

Cố PGS. Lê Bá Hán sinh ngày 15/2/1933, ông là một sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1957 và sau đó được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Hai năm sau, ông được cử về xây dựng Trường Đại học Sư phạm Vinh. Trong suốt hơn 40 năm công tác, ông đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như Chủ nhiệm bộ môn Lý luận văn học, Chủ nhiệm chuyên ngành Lý luận và Lịch sử văn học (hệ đào tạo sau đại học) và Chủ tịch Hội đồng Khoa học của trường. Ông được phong tặng danh hiệu Phó Giáo sư năm 1984 và Nhà giáo ưu tú năm 1992.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng Phó Giáo sư Lê Bá Hán (người đứng hàng phía sau) và một số cán bộ khoa học của Đại học Vinh vào năm 1997. Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Gia đình ông đã trải qua nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, khi Trường Đại học Sư phạm Vinh phải sơ tán qua nhiều địa điểm. Tuy nhiên, vợ chồng thầy Lê Bá Hán và cô Nguyễn Thị Lộc luôn kiên trì, trở thành hình mẫu của tinh thần lao động chăm chỉ, giáo viên dạy giỏi và chiến sĩ thi đua. Sự cống hiến và lối sống lạc quan của ông bà đã khích lệ các con phấn đấu không ngừng trong học tập và nghiên cứu.

Những người con đã nối tiếp sự thành công của ông trên hành trình tri thức

Con gái đầu của ông, PGS. TS. Lê Thị Hoài Châu, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Pháp và hiện đang giảng dạy Toán tại nhiều trường đại học uy tín. Con trai duy nhất của ông, PGS. TS. Lê Quang Hưng, đã nối nghiệp cha, bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ và trở thành Trưởng khoa Việt Nam học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

PGS. Lê Bá Hán cùng vợ và các con. Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Người con thứ ba, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hoài Phương, đã hoàn thành luận án tiến sĩ tại Nga và hiện giữ nhiều vị trí quan trọng trong Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Con gái út, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hoài An, có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực Toán tối ưu và khoa học dữ liệu, là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Constantin Carathéodory Prize.

Đóng góp to lớn cho nền khoa học Việt Nam

Gia đình PGS. Lê Bá Hán không chỉ cống hiến lớn cho nền khoa học trong nước mà còn hướng về quê hương với nhiều hoạt động hợp tác và hỗ trợ sinh viên Việt Nam. GS. TS. Lê Thị Hoài An và chồng là GS. Phạm Đình Táo đã sáng lập và tổ chức nhiều hội nghị quốc tế thành công, thúc đẩy hợp tác giữa các viện hàn lâm và trường đại học của Việt Nam với quốc tế.

PGS. Lê Bá Hán, Tộc trưởng họ Lê chụp ảnh chung với bà con trước nhà thờ họ ở xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang nhân dịp xuân Bính Tuất 2006. Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Sự thành công của năm nhân vật xuất sắc trong gia đình không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của các thành viên khác trong đại gia đình. Đồng hành với những thành tựu của cố PGS. Lê Bá Hán là người vợ của ông, cô Nguyễn Thị Lộc. Với nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, cô đã dạy học tại các cấp phổ thông và tham gia Ban phụ trách Khối phổ thông Chuyên Toán của Trường Đại học Sư phạm Vinh. Sự cống hiến của cô không chỉ trong nghề nghiệp mà còn trong vai trò người mẹ, người vợ tần tảo đã tạo nền tảng vững chắc cho thành công của chồng và các con.

Những đóng góp của gia đình PGS. Lê Bá Hán đã làm rạng danh quê hương Hà Tĩnh, trở thành biểu tượng của tinh thần hiếu học và sự cống hiến cho khoa học và giáo dục.