Mới đây, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận The Appian Way - một công trình đường cao tốc của người La Mã cổ đại, là Di sản thế giới. Theo đó, trong kỳ họp thứ 46 của UNESCO tại New Delhi, nhiều địa điểm đã được công nhận là Di sản thế giới bởi ý nghĩa văn hóa, lịch sử nổi bật.
The Appian Way hay đường Appian là tuyến đường cao tốc đầu tiên của người La Mã cổ đại và là điểm thu hút khách du lịch ở Rome hiện đại, đã được thêm vào danh sách Di sản văn hóa của UNESCO. Nó còn được gọi là Regina Viarum hay Nữ hoàng của những con đường, kết nối thủ đô của nhà nước La Mã cổ đại với thị trấn Brindisi. Con đường được đặt theo tên của Appius Claudius Caecus - một người La Mã cổ đã xây dựng lên một tuyến đường phía Nam vào năm 312 trước Công nguyên.
Đây là địa điểm thứ 60 của Ý được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Bộ trưởng Văn hóa Gennaro Sangiuliano cho biết, động thái này thừa nhận "giá trị phổ quát của một công trình kỹ thuật phi thường, đóng vai trò thiết yếu trong nhiều thế kỷ đối với hoạt động trao đổi thương mại, xã hội và văn hóa với Địa Trung Hải và phương Đông".
Ý là đất nước có nhiều điểm đến được UNESCO công nhận là Di sản thế giới nhất. Nổi bật nhất phải kể đến Quảng trường Piazza del Duomo, các trung tâm lịch sử của Rome và Venice cũng như dãy núi Dolomites, Thành cổ Verona...
Ngoài ra, phong cảnh thiên nhiên ở Piedmont, nơi sản xuất rượu vang như Barolo hay Barberesco là điểm đến tuyệt vời để du khách đạp xe dạo chơi, ngắm nhìn những đồi trồng nho rộng lớn, ẩm thực dân dã và các ngôi làng cổ được gìn giữ nguyên vẹn.
Trong kỳ họp thứ 46, nhiều điểm đến khác cũng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới như Lâu đài Schwerin của Đức, Mỏ vàng Sado của Nhật Bản, Tu viện St. Hilarion của Gaza, Công viên quốc gia Lencois Maranhenses của Brazil, Quần đảo Marquesas ở Polynésie, Khu định cư của Giáo hội Moravian, Khu phức hợp chôn cất hoàng gia Charaideo Moidam và các đền thờ do triều đại Ahom ở đông bắc Ấn Độ, Địa điểm thảm sát Apartheid...
Nguồn: Daily Sabah