Bứt tốc đón khách quốc tế
Theo số liệu từ Cục Du lịch quốc gia, trong 11 tháng của năm 2023, Việt Nam đã đón hơn 11,2 triệu lượt khách quốc tế, vượt kế hoạch đề ra đầu năm 40%. Con số này cũng cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước và bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch Covid-19).
Lượng khách quốc tế đến khả quan, cùng với khách nội địa tăng trưởng tích cực giúp doanh thu du lịch lữ hành tăng mạnh với 34 nghìn tỷ đồng, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước.
Một số địa phương có doanh thu cao từ du lịch như: Khánh Hòa tăng 138%; Đà Nẵng tăng 134,7%; Cần Thơ tăng 129,9%; Quảng Ninh tăng 87,5%; TPHCM tăng 68%; Hà Nội tăng 52,9%; Hải Phòng tăng 44%... Do từ đầu năm nay, các địa phương này đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch.
Ngành du lịch phục hồi nhanh cũng đã kéo theo doanh thu của các hãng hàng không khởi sắc. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) công bố cho thấy, tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 23.753 tỷ đồng, tăng trưởng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh Vietnam Airlines, hãng hàng không Vietjet công bố giải trình biến động kết quả kinh doanh quý 3/2023, với báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 14.200 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, phát triển du lịch còn những tồn tại, hạn chế như tỷ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp so với năm 2019 và so với năng lực chung của ngành; các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam chưa đảm bảo yêu cầu về tần suất, độ phủ tới các thị trường trọng điểm, chưa tổ chức được các hoạt động xúc tiến du lịch quy mô và tầm vóc quốc gia.
Trước bối cảnh đó, để kích cầu du lịch, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đòi hỏi nhiều giải pháp thiết thực như cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch; đẩy mạnh các sản phẩm du lịch mới; đặc biệt là phát triển du lịch xanh, hướng tới phát triển du lịch bền vững. Thời gian qua, nhiều địa phương, điểm đến đã tiên phong sáng tạo, phát triển xanh hóa theo cách của mình như hướng những sản phẩm du lịch khai thác giá trị bản địa, cộng đồng, nông nghiệp, sản phẩm hữu cơ, rừng và khu bảo tồn…
Phát triển du lịch xanh, bền vững
Để tạo vị thế riêng cho TPHCM, ngành du lịch TPHCM cũng đang mở lối cho du lịch xanh. Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, du lịch xanh là xu hướng phát triển được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030, trong đó Cần Giờ là một trong các khu vực trọng điểm phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của rừng, biển và khu dự trữ sinh quyển. Vừa qua, ngành du lịch đã thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng và sẽ triển khai giai đoạn 2, thí điểm tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái gắn với phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn Cần Giờ. Sở Du lịch cũng đang phối hợp với Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng đề án phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao tại 5 huyện của thành phố.
Về định hướng phát triển du lịch xanh, TPHCM sẽ tập trung vào 6 nội dung chính, trong đó có cơ sở hạ tầng như công viên, hạ tầng kết nối du lịch, du lịch xanh ở Cần Giờ. Tạo môi trường phát triển du lịch xanh thông qua các cơ chế khuyến khích du lịch xanh, hợp tác với các địa phương để phát triển du lịch xanh.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho rằng, từ thực tiễn hoạt động trong nhiều năm qua và xuất phát từ yêu cầu của sự phát triển, du lịch xanh đã trở thành yêu cầu bức thiết của từng quốc gia trong đó có Việt Nam. Muốn phát triển du lịch xanh, ông Yên đề xuất, các hoạt động kinh doanh theo tiêu chí du lịch xanh, lữ hành bền vững đặt ra yêu cầu phải hình thành chuỗi giá trị bền vững cho các bên, tạo gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - khách hàng - đối tác cung ứng dịch vụ - cộng đồng địa phương và tất cả các bên cùng hưởng lợi ích lâu dài trong khai thác tiềm năng du lịch, bảo tồn thiên nhiên và văn hoá bản địa, nâng cao kinh tế và tạo sự ổn định lâu dài trong cuộc sống của người dân địa phương.
Bà Ngô Hương, Phó Tổng giám đốc Kinh doanh và Marketing Vinpearl đề xuất, cần nghiêm túc xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh – bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) cho các cơ sở du lịch, khách sạn... Đây là một trong những chỉ số được du khách từ các nước phát triển đặc biệt đánh giá cao trong việc lựa chọn điểm đến. Cùng với đó, cần có chính sách miễn visa linh hoạt, xã hội hóa nguồn vốn cho các quỹ đầu tư phát triển du lịch, những chính sách liên quan đến thuế để gia tăng sức mạnh cạnh tranh của dịch vụ ngành du lịch.
Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu năm 2023 điều chỉnh tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam lên 12-13 triệu lượt (mục tiêu trước đó đón 8 triệu lượt khách); khách du lịch nội địa 102 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2025, ngành du lịch phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên toàn cầu. Phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng từ 8-9%/năm. Đóng góp trực tiếp từ 6-8% trong GDP, tạo 5,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 1,8 triệu việc làm trực tiếp.