Cơ hội từ COVID-19
WB nhận định, sự cần thiết của mô hình tăng trưởng theo định hướng ĐMST và năng suất Việt Nam đã đạt được các thành tựu phát triển ấn tượng trong 30 năm qua. Tăng trưởng được duy trì ở mức cao, bình quân 7% kể từ năm 1988 đã dẫn tới thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp năm lần, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ. Nhờ mở cửa thương mại và đầu tư, Việt Nam đã thu hút được một lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tạo ra nhiều việc làm trong phân khúc thâm dụng lao động theo định hướng xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).
Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cho thấy, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong chuyển đổi kinh tế với những thách thức chưa từng có tiền lệ, đặt ra nhu cầu bức thiết cần thúc đẩy ĐMST trong các chương trình nghị sự phát triển quốc gia, cũng như tại từng DN. Việc ứng dụng và truyền bá các ý tưởng mới, các công nghệ mới, công nghệ kỹ thuật số trên nền tảng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến cơ hội nâng cao năng suất và khả năng thích ứng cho mỗi DN, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch tiếp tục lan rộng ra toàn cầu.
Cũng theo WB, các mô hình kinh doanh mới, các DN khởi nghiệp dựa trên nền tảng kỹ thuật số và các công ty “siêu ứng dụng”8 như ZaloPay, Momo mang lại nhiều triển vọng hứa hẹn. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, đầu tư vốn cổ phần tư nhân. Đại dịch Covid-19 bùng phát càng cho thấy, nhu cầu phải đẩy nhanh tốc độ ứng dụng, phổ biến công nghệ, mô hình kinh doanh mới và giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ tăng trưởng và tính linh hoạt của các DN.
WB lạc quan cho rằng, Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy ĐMST trong DN nội địa, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Phần lớn các DN trong nước tại Việt Nam là DN nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm 98% tổng số DN và chiếm 1/2 lực lượng lao động. Về công nghệ kỹ thuật số, kết quả khảo sát về áp dụng công nghệ (năm 2020) cho thấy, với các loại hình kinh doanh khác nhau, trung bình chỉ có 20% DN sử dụng quy trình số hóa hoàn chỉnh trong triển khai các chức năng kinh doanh chung tại Việt Nam - bao gồm tiếp thị, thanh toán, lập kế hoạch sản xuất để hỗ trợ bán hàng và quản lý chuỗi cung ứng, bán hàng. Trong tương lai, Việt Nam sẽ cần tăng cường mức độ sẵn sàng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số và nền sản xuất linh hoạt hơn trước các thách thức hiện hữu song hành cùng cú sốc của đại dịch COVID-19.
Kết nối nguồn lực
Đại dịch Covid-19 đem lại cơ hội cho các DN thúc đẩy ĐMST. Tuy nhiên đọa dịch cũng gây ra rất nhiều khó khăn, thách thức cho nền kinh tế và cộng đồng DN, kể cả DN quy mô lớn. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, mỗi tháng, nước ta chứng kiến có hàng chục nghìn DN phải ngừng hoạt động, chờ giải thể hoặc phá sản. Số lượng DN ngừng hoạt động lớn hơn số lượng DN thành lập mới. Thực tế này đòi hỏi các giải pháp chính sách cùng nỗ lực từ chính DN phải mạnh mẽ hơn nữa, sự kết nối cũng phải mạnh mẽ hơn nữa để vượt qua thách thức hiện hữu và tìm con đường phát triển dài hạn.
Sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam tiến hành hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình và thực hiện hội nhập quốc tế, trong đó có Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, Luật Sở hữu trí tuệ… Một số nỗ lực khác gần đây như việc thành lập Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC); Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC); Trung tâm ĐMST về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub)… Tất cả đều nhằm hỗ trợ nền tảng ĐMST cho các nhà nghiên cứu, DN khởi nghiệp sáng tạo.
Trên bình diện quốc gia, chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam theo xếp hạng của WIPO những năm gần đây được cải thiện, tăng 10 bậc từ năm 2015. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 sau khi WIPO cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020).
Tuy nhiên, với các DN, cuộc khảo sát mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết một thực tế là, phần lớn DN thực hiện ĐMST mới chỉ thông qua việc “Đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” (39,4%) hoặc “Nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” (39,3%) mà ít có nghiên cứu phát triển. Khoảng 80% DN cho biết họ không có hợp tác với đơn vị/tổ chức khác để thực hiện các hoạt động ĐMST.
Việc DN thiếu thông tin về các hình thức hỗ trợ của Nhà nước là một trong những rào cản chính khiến các DN không tận dụng được các hình thức hỗ trợ của Nhà nước. Các yếu tố khác như tài chính, sở hữu trí tuệ, thông tin, cơ sở hạ tầng… chưa phát huy được hiệu quả cao nhất trong thúc đẩy ĐMST ở Việt Nam hiện nay.
Theo PGS.TS. Trần Ngọc Ca, thành viên Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia , trong thế giới ngày càng biến đổi không ngừng, ĐMST là chìa khóa, là cơ sở của tính cạnh tranh và sự an ninh của DN hoặc nền kinh tế. “Từ chối ĐMST hoặc cố tình bỏ quên ĐMST hoặc chậm chân trong ĐMST đều dẫn đến việc bị bỏ lại phía sau, hoặc thậm chí phá sản”. Chuyên gia này nhấn mạnh.
Đầu năm 2021, bằng việc tổ chức Triển lãm quốc tế về ĐMST Việt Nam và khởi công xây dựng Trung tâm ĐMST quốc gia, Bộ KH&ĐT đã lan toả tinh thần ĐMST trong mọi hoạt động của người dân, DN.
Năm 2021 cũng là năm Bộ KH&ĐT thực hiện nhiều hoạt động kết nối các tổ chức, các doanh nhân, trí thức trong và ngoài nước vào công cuộc hỗ trợ cộng đồng DN ĐMST. Đặc biệt là nỗ lực kết nối mạng lưới trí thức, doanh nhân tại châu Âu; phối hợp với USAID tổ chức Chương trình “Nguồn nhân lực cho ĐMST - Hệ sinh thái khởi nghiệp”, thực hiện Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số 2021-2030… Những nỗ lực này dần hình thành nên sức mạnh kết nối, tạo cơ hội giúp các DN học hỏi, đổi mới tư duy, đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quy trình hay thị trường để gia tăng hiệu quả trên thương trường.