Dự báo xuất khẩu gạo vẫn tốt trong năm 2021

(CL&CS) - Theo dự báo của VFA, xuất khẩu gạo trong năm 2021 vẫn tốt bởi nhu cầu về lương thực còn tăng khi các thị trường xuất khẩu chính vẫn tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,12 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2019. Trong đó, giá xuất khẩu trung bình đạt 499 USD/tấn (tăng 13,4%) và sản lượng đạt 6,25 triệu tấn (giảm 1,9%). Năm 2020, giá gạo Việt Nam đã bứt phá vươn lên vị trí số 1, vượt qua cả gạo Thái Lan và giúp Việt Nam chiếm vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Và ngay những tháng đầu năm 2021, lô hàng 1.600 tấn gạo đầu tiên “mở hàng” cho mùa xuất khẩu năm 2021 của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đang được xem là một dấu hiệu tốt đẹp cho xuất khẩu gạo trong năm nay.

 VDSC nhận định, xuất khẩu gạo chất lượng cao sang EU, Anh, Hàn Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh 

Về tình hình xuất khẩu năm 2021, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, xuất khẩu gạo chất lượng cao sang EU, Anh, Hàn Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh nhờ những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết hoặc đi vào thực thi.

Theo VDSC, cơ hội xuất khẩu gạo sang các thị trường EU, Anh, Hàn Quốc sẽ tạo động lực tăng trưởng cho các công ty xuất khẩu gạo chuyên nghiệp như: Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời,  Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An...

Cụ thể, nhờ UKVFTA được ký kết, thuế suất xuất khẩu gạo sang Vương quốc Anh còn 0% thay vì 17,4% như trước đây, sản lượng xuất khẩu gạo sang Anh năm 2021 có thể đạt 17.000 tấn, tăng 10 lần so với năm 2020.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng đồng ý cung cấp hạn ngạch 55.112 tấn đối với các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và xuất khẩu.

VDSC ước tính, năm 2021, sản lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang ba khu vực gồm Châu Âu, Anh và Hàn Quốc sẽ đạt khoảng 90.000 tấn, tăng 254% so với năm 2020.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lý giải, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm tăng nhu cầu sử dụng lương thực ở nhiều quốc gia, là cơ hội cho gạo Việt Nam thâm nhập vào thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, nỗ lực tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng chuyển mạnh từ lúa phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao khiến gạo Việt Nam dễ dàng cạnh tranh hơn với những đối thủ lớn trên thị trường như Thái Lan, Campuchia - những quốc gia vốn nổi tiếng là có nhiều loại gạo ngon nhất thế giới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, hiện chúng ta đã có quy trình công nghệ tương đối toàn diện cho phát triển ngành lúa gạo. Bên cạnh đó, lĩnh vực chế biến cũng ngày càng phát triển, các công nghệ chế biến gạo tốt nhất, hiện đại nhất đã được các doanh nghiệp ứng dụng. Hiện nay, có đến 85% số lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam là gạo chất lượng cao.

Về định hướng xuất khẩu gạo trong tương lai, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp gạo nên tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm, gạo giống Nhật Japonica, gạo dẻo, gạo nếp, giảm trồng các loại gạo cấp thấp. Việc đầu tư gạo chất lượng cao vừa nâng cao giá trị xuất khẩu, đồng thời thâm nhập các thị trường lớn.

Theo dự báo của VFA, xuất khẩu gạo trong năm 2021 vẫn tốt bởi nhu cầu về lương thực còn tiếp tục tăng khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, các nước Đông Nam Á, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN