Tham dự sự kiện có bà Sharon Kane - Giám đốc Quốc Gia tổ chức Plan Việt Nam, ông Nguyễn Thế Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, bà Nghiêm Thị Kim Huê - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Trọng Thắng – Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, ông Mai Huy Phương - Phó giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, ông Lê Thủy Thạch - trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Quảng Bình.
Bà Sharon Kane, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Plan Vietnam nhấn mạnh trong phần phát biểu của mình: ”Trong chiến lược quốc gia 5 năm giai đoan 2020-2025, Tổ chức Plan International Việt Nam cam kết hỗ trợ 2 triệu trẻ em gái học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển. Để hiện thực hóa chiến lược này, chúng tôi hợp tác với Sở giáo dục và Đào tạo 5 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum triển khai Dự án Trẻ em gái hướng tới tương lai nhằm thúc đẩy chương trình giáo dục hướng nghiệp có yếu tố nhạy cảm giới gắn kết với chương trình giáo dục mới của Bộ giáo dục và Đào tạo. Chúng tôi vui mừng khi đối tác tại 5 tỉnh đã đề xuất Plan hỗ trợ nhân rộng hoạt động can thiệp từ 30 trường ban đầu lên 110 trường, giúp 13,183 em trai, 12,888 em gái nhận ra các giá trị của bản thân và nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp trong tương lai của mình”.
Đại diện cho các đối tác địa phương tham gia vào dự án, ông Nguyễn Thế Bình – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá rất cao về ý nghĩa và hiệu quả mà các dự án của tổ chức Plan Việt Nam đã và đang triển khai ở tỉnh Hà Giang. Đặc biệt, các can thiệp đồng bộ, đa dạng và vẫn mang yếu tố đặc thù dân tộc thiểu số của dự án Trẻ em gái hướng tới tương lai đã giúp cho các trường tham gia dự án thực thi một cách hiệu quả công tác GDHN và định hướng phân luồng học sinh ở cấp trường trung học cơ sở, bám sát với chủ trương của Quyết định 522/QĐ-TTg và Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đó là lý do mà chúng tôi rất mong các can thiệp của dự án sẽ được triển khai ở tất cả các trường THCS của tỉnh, giúp cho đội ngũ giáo viên được nâng cao năng lực, các em học sinh có đủ kiến thức để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn về nghề nghiệp trong tương lai”.
Với những thành công của dự án sau giai đoạn thí điểm vừa qua, trong lộ trình 3 năm sắp tới, Plan International Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành với đối tác giáo dục tiếp tục triển khai mô hình giáo dục hướng nghiệp tại 100% các trường THCS của 5 tỉnh dự án.
Dự án Trẻ em gái Sẵn sàng cho Tương lai: Dự án trẻ em gái sẵn sàng cho tương lai được xây dựng và triển khai trong 03 năm (từ 7/2019 đến 6/2022) tại 5 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum nhằm lồng ghép và bổ trợ cho các dự án khác được thực hiện bởi Plan Việt Nam. Dự án Trẻ em gái sẵn sàng cho tương lai đã phối hợp với Ban nghiên cứu giáo dục dân tộc thuộc Viện khoa học giáo dục Việt Nam để xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện Giáo dục hướng nghiệp cho cấp THCS theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nội dung bộ tài liệu hướng dẫn đảm bảo sự phù hợp về văn hóa, thúc đẩy sự tham gia của giáo viên, phụ huynh trong công tác hướng nghiệp, lấy các em học sinh là trung tâm và các bên liên quan đều là tác nhân của sự thay đổi. Sau khi bộ tài liệu được phát triển, dự án đã tiến hành thí điểm nội dung GDHN theo bộ tài liệu hướng dẫn thông qua tập huấn cho giáo viên nòng cốt và hướng dẫn hỗ trợ các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Các tiết dạy tích hợp GDHN và các hoạt động truyền thông về GDHN trong nhà trường. Bên cạnh can thiệp về GDHN tại cấp THCS, dự án tiến hành các can thiệp nhằm hỗ trợ nhóm thanh niên tại cộng đồng thực hiện các sáng kiến sinh kế, khởi nghiệp và kết nối với các mô hình trải nghiệm cho trường học. Mục đích dự án: Trẻ em gái Việt Nam là nhân tố của sự thay đổi, là những chủ thể tích cực và nhận thức được các quyền lợi chính đáng về xã hội, kinh tế của mình trong môi trường an toàn và không có bạo lực giới. Đối tượng dự án: Hơn 10.000 trẻ em từ 11-15 tuổi, tập trung vào các trẻ em gái ở trường THCS. Hơn 16.000 thanh niên từ 16-24 tuổi, tập trung vào trẻ em gái nghỉ học. 30 trường THCS trong địa bàn dự án. |