Sẽ bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết
Liên quan đến các cơ chế và chính sách đặc thù: Thường trực Chính phủ yêu cầu rà soát và bổ sung những cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết nhằm huy động tối đa nguồn lực, đồng thời đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục đầu tư của dự án.
Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép: "Đối với những cơ chế, chính sách phát sinh sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, nếu thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; còn nếu thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì giao Chính phủ quyết định. Các cơ quan sẽ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp gần nhất".
Về phân cấp phân quyền: Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ tuân thủ chỉ đạo của Bộ Chính trị trong việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành và địa phương nhằm huy động tối đa nguồn lực của cả hệ thống chính trị.
Trong đó sẽ bao gồm việc giải phóng mặt bằng, huy động vốn để thực hiện dự án và xây dựng các ga dừng đỗ.
Đồng thời, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ Giao thông vận tải đề xuất có tổng mức đầu tư sơ bộ là 67,34 tỷ USD với tuyến đường đôi dài 1.541km, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế đạt 350 km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục.
Sẽ huy động cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp cùng tham gia
Để đa dạng nguồn lực đầu tư, trong đó đầu tư công là chính, sẽ sử dụng ngân sách từ trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu công trình, và các nguồn vốn hợp pháp khác của Nhà nước.
Dự án cũng sẽ huy động vốn đầu tư theo hình thức BOT, BT (đổi đất lấy hạ tầng, đặc biệt là tại các nhà ga, sân đỗ) và các nguồn vốn hợp pháp ngoài nhà nước thông qua các cơ chế đặc thù, đặc biệt.
Việc huy động cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án được xác định là nguyên tắc cốt lõi.
Bộ GTVT được yêu cầu thành lập một Tổ giúp việc chuyên trách do một Thứ trưởng chỉ đạo, với sự tham gia của các chuyên gia, cán bộ, công chức có năng lực và kinh nghiệm.
Bộ cũng sẽ xem xét chính sách đãi ngộ phù hợp với tính chất đặc thù của dự án. Trong trường hợp cần thiết, Bộ GTVT có thể đề xuất bổ sung một Thứ trưởng chuyên trách để triển khai dự án và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Các bộ, ngành, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan liên quan sẽ rà soát nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch đào tạo và bổ sung nhằm phục vụ quá trình triển khai và vận hành dự án.
Cần nghiên cứu cơ chế rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, ưu tiên dành thời gian tập trung thi công, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Dự án sẽ được đánh giá toàn diện về hiệu quả kinh tế. Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát các chỉ số kinh tế vĩ mô (như nợ công, nợ nước ngoài).
Việc triển khai dự án sẽ giúp nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia, giảm chi phí logistics, đi lại của người dân và gia tăng giá trị đất đai.
Cần có cơ chế đặc thù về khai thác đất và vật liệu xây dựng thông thường. Đồng thời, việc cấp phép và đánh giá tác động môi trường cần được phân cấp tối đa cho địa phương.Chính phủ cũng sẽ rà soát để phân cấp cho địa phương có cơ chế chủ động triển khai việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lúa, nhất là khi cần điều chỉnh phạm vi, diện tích do thay đổi hướng tuyến hoặc vị trí công trình.
Sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, các địa phương sẽ tiến hành triển khai, việc kiểm tra sẽ thực hiện theo phương thức hậu kiểm.
Ngoài ra, liên quan đến tổng mức đầu tư dự án, Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu phải rà soát kỹ lưỡng suất đầu tư phù hợp nhất với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của đất nước và các yếu tố đặc thù của công trình để tính toán sơ bộ tổng vốn đầu tư chính xác nhất có thể, đủ tin cậy và thuyết phục; hạn chế việc vượt tổng mức đầu tư do yếu tố chủ quan khi phê duyệt dự án đầu tư và tránh tình trạng đội vốn khi triển khai đầu tư, thi công công trình…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương thu ý kiến, hoàn thiện Hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Nhà nước trước ngày 10/10/2024.
Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Hội đồng thẩm định Nhà nước, kịp thời tiếp thu, giải trình ý kiến.
Hội đồng thẩm định Nhà nước hoàn thành thẩm định trước ngày 18/10/2024 và yêu cầu chậm nhất ngày 20/10/2024 phải có Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội, trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.