Dòng trực thăng đa nhiệm của Việt Nam có thể mang 4.000kg hàng hóa, từng tham gia tìm kiếm Boeing MH370 mất tích bí ẩn

Năm 2014, Việt Nam đã huy động nhiều lượt máy bay này để tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích cả trên đất liền và trên biển.

Nếu Su-30MK2, Yak-130 được biết đến là những dòng máy bay chiến đấu đời mới và hiện đại nhất của lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam thì trực thăng Mi-171 lại có lịch sử lâu đời hơn, với nhiệm vụ chính là vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ cho các vùng bị thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Trực thăng vận tải - chiến đấu Mi-171 do Nga nghiên cứu, chế tạo trên cơ sở máy bay Mi-17 từ những năm 1970.

Máy bay trực thăng Mi-171. Ảnh: Alrosaair

Chiếc Mi-171 đầu tiên chính thức được sản xuất vào năm 1991, sử dụng động cơ kép VK-2500 có công suất 2.200 mã lực, tốc độ bay 250km/h, trần bay 6.000m, phạm vi hoạt động 610km, tải trọng thường 7.489kg, dài 18,65m và cao 4,75m.

Máy bay có phi hành đoàn gồm 3 người, có thể mang tới 26 người trong ghế hành khách, vận chuyển hàng hóa lên đến 4.000kg trong cabin và trên giá treo ngoài, có thể nâng, tải hoặc dỡ bỏ hàng hóa trong khi đang bay.

Thông số kỹ thuật của trực thăng đa nhiệm Mi-171

Mi-171 bắt đầu được sản xuất hàng loạt tại Nhà máy hàng không Ulan-Ude (UUAP) từ năm 1991. Cho đến nay, nhà máy này vẫn tiếp tục nhận sản xuất những đơn hàng mới cho các đối tác nước ngoài.

Trực thăng Mi-171 tham gia cứu hộ cứu nạn. Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN

Dòng máy bay Mi-171 đã nhận được các chứng chỉ an toàn bay của các hãng đánh giá hàng đầu của Nga và thế giới. Năm 2005, Brazil đã cấp giấy chứng nhận FAR-29 cho dòng máy bay Mi-171 của Nga.

Dòng máy bay trực thăng này đang được sử dụng tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, với hơn 100 triệu giờ bay.

Các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đã quyết định dừng thương thảo các hợp đồng với các nhà cung cấp phương Tây để mua loại máy bay Mi-171 của Nga.

Tại Việt Nam, máy bay Mi-171 đang hoạt động trong biên chế lực lượng Phòng không - Không quân với vai trò tìm kiếm cứu nạn. Dòng máy bay này cũng góp phần quan trọng trong việc vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ cho các vùng bị thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ngư dân hoạt động trên biển.

Trong quá trình tiến hành tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia mất tích đầu tháng 3/2014, Việt Nam đã huy động nhiều lượt chiếc trực thăng Mi-171 để tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích cả trên đất liền và trên biển.

Máy bay Mi-171E từng xuất hiện tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 5/2024. Ảnh: Báo Vietnamnet

Gần đây nhất, những chiếc Mi-171E của các tổ bay trực thăng vũ trang tại buổi diễn tập diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 5/2024 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách có mặt tại chiến trường xưa. Các biên đội máy bay trực thăng xếp hình mũi tên bay treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc diễu hành qua lễ đài và trên đường phố với thời gian 45 phút.

Trong những năm qua, Mi-171 được đánh giá là loại trực thăng có hệ số an toàn cao. Đặc biệt, loại trực thăng này có chế độ quay ngược cánh quạt để kéo máy bay lên cao, trong trường hợp bị rơi tự do. Thêm nữa, Mi-171 có cả phao dù xung quanh, sẽ tự động bơm thành phao, nếu phải hạ cánh khẩn cấp xuống biển.