Dòng sông chảy ngược từ Việt Nam lên Trung Quốc: Là sông lớn nhất của khu vực miền núi Đông Bắc, bắt nguồn từ vùng núi cao hơn 1.000m

Đây là dòng sông duy nhất ở miền Bắc chảy ngược theo hướng Đông Nam - Tây Bắc lên Trung Quốc.

Sông Kỳ Cùng là sông chính của tỉnh Lạng Sơn, chảy trên Việt Nam dài khoảng 243km. Đây là con sông duy nhất ở miền Bắc không chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam để đổ vào biển Đông mà chảy ngược theo hướng Đông Nam - Tây Bắc lên Trung Quốc. Với dòng chảy độc đáo đó đã đặt cho xứ Lạng biệt danh "nơi dòng sông chảy ngược".

Sông Kỳ Cùng

Sách “Địa chí Lạng Sơn” (NXB Chính trị Quốc gia - 1999) ghi: “Sông Kỳ Cùng là sông lớn nhất của Lạng Sơn cũng như của khu vực miền núi Đông Bắc, có chiều dài 243km, diện tích lưu vực 6.660km2… Sông Kỳ Cùng bắt nguồn từ vùng núi Bắc Xa, ở huyện Đình Lập, chảy từ Đông Nam lên Tây Bắc theo hướng dốc của địa hình qua Lộc Bình, Điềm He, Na Sầm, Thất Khê.

Tại đây sông Kỳ Cùng uốn khúc chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam tới biên giới Trung Quốc, đổ vào lưu vực sông Tây Giang”.

Một đoạn sông Kỳ Cùng chảy qua Lạng Sơn

Sông bắt nguồn từ vùng núi Bắc Xa cao 1.166m thuộc huyện Đình Lập, chảy theo hướng Đông Nam - Tây Bắc qua thành phố Lạng Sơn. Khi cách thành phố này khoảng 22km, sông đổi hướng Nam - Bắc tới thị trấn Văn Lãng rồi lại đổi hướng thành Đông Nam - Tây Bắc trước khi rẽ sang hướng Đông ở gần thị trấn Thất Khê. Từ Thất Khê, sông chảy gần như theo đường vòng cung, cho tới khi vượt biên giới sang Trung Quốc để hợp lưu với sông Bằng Giang tại thị trấn Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc).

Đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng, Lạng Sơn

Có thể nói, hình ảnh con sông Kỳ Cùng không chỉ có ý nghĩa trong việc tạo không gian, cảnh quan cho phát triển đô thị hiện đại, mà nó còn mang ý nghĩa văn hóa, thực sự là một hình ảnh đem lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách, khiến ai đến Lạng Sơn cũng đều háo hức, muốn dừng chân ghé thăm địa danh này.

Ngoài Kỳ Cùng, tỉnh Lạng Sơn còn có rất nhiều sông suối khác như Bản Thí, Bắc Giang, Bắc Khê, sông Thương...

*Ảnh: Báo Lạng Sơn, Tạp chí Kinh tế Môi trường

TIN LIÊN QUAN