Đồng Nai: Kiến nghị thu hồi nhiều dự án trong cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh

(CL&CS) - Nguyên nhân là do các doanh nghiệp thuê đất không thực hiện đúng ngành nghề đã quy định, chậm đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án.

Để bảo tồn và phát triển làng nghề gốm của Đồng Nai, UBND tỉnh đã thành lập cụm công nghiệp (CCN) gốm sứ Tân Hạnh. Mục đích nhằm bố trí, di dời các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gốm gây ô nhiễm môi trường đan xen trong khu dân cư trên địa bàn TP Biên Hòa. 

Cụm công nghiệp Tân Hạnh được xây dựng nhằm đảm bảo môi trường, duy trì phát triển làng nghề gốm truyền thống

Cụm công nghiệp (CCN) gốm sứ Tân Hạnh có diện tích khoảng 55ha, thuộc địa bàn P.Tân Hạnh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tổng mức đầu tư hạ tầng của CCN khoảng 240 tỷ đồng và đã cơ bản hoàn thành.

Đến nay, có 36 doanh nghiệp được xét duyệt đầu tư vào CCN gốm sứ Tân Hạnh. Trong đó, có 31 đơn vị gốm sứ thuộc đối tượng di dời được UBND tỉnh phê duyệt theo văn bản số 233/UBND-CNN ngày 9/1/2013 và 5 đơn vị không thuộc đối tượng di dời ban đầu vào CCN.

Trong CCN gốm sứ Tân Hạnh hiện có 24 doanh nghiệp đã xây dựng xong nhà xưởng và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số đơn vị còn lại đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ, thủ tục và xây dựng.

Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai Vòng Khiềng chia sẻ, đa số các cơ sở gốm di dời vào CCN hoạt động hiệu quả, mở rộng sản xuất, thị trường tiêu thụ... Hiện các cơ sở đã xuất khẩu sản phẩm trực tiếp sang hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đang gặp khó khăn do muốn mở rộng nhà xưởng, kho phục vụ cho sản xuất, trữ hàng nhưng không có đất để thuê thêm. Vì thế, hiệp hội đề xuất UBND tỉnh thu hồi đất, dự án của những doanh nghiệp không làm đúng ngành nghề ưu tiên cho các cơ sở gốm mở rộng sản xuất.

Vừa qua, UBND TP.Biên Hòa cũng đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh thu hồi quyết định cho thuê đất đối với những doanh nghiệp có các dự án thực hiện không đúng mục tiêu đầu tư để lấy đất cho các doanh nghiệp gốm sứ thuê mở rộng sản xuất. Kiến nghị này phù hợp với chủ trương từ đầu của tỉnh là CCN mở ra để bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của Đồng Nai.

Hiện CCN có 7 dự án hoạt động không đúng ngành nghề, chuyển nhượng dự án, chậm triển khai đầu tư. Trong đó có Công ty TNHH Gốm Thành Châu; Doanh nghiệp tư nhân Gốm Hồng Long, CTCP Dầu khí Hồng Hà, Doanh nghiệp tư nhân Phạm và Nguyễn sản xuất sai ngành nghề; Doanh nghiệp tư nhân Gốm mỹ nghệ Hồng Hưng 2 chậm đầu tư; Doanh nghiệp tư nhân Gốm Nhân Tài, Công ty TNHH MTV Trường Thạnh chuyển nhượng dự án.

Bà Nguyễn Ngọc Liên, Phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa cho biết, CCN gốm sứ Tân Hạnh do Nhà nước bỏ vốn bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật để di dời các cơ sở gốm trong khu dân cư vào nhằm đảm bảo môi trường, duy trì phát triển làng nghề gốm truyền thống. Các doanh nghiệp di dời vào CCN được ưu đãi về tiền thuê đất, tiền hạ tầng kỹ thuật. Thế nhưng, một số doanh nghiệp sau khi được tỉnh cho thuê đất lại làm không đúng ngành nghề, chuyển nhượng dự án.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở Công thương cần rà soát lại các quy chế của CCN gốm sứ Tân Hạnh để xử lý cho phù hợp. Đồng thời, TP Biên Hòa phối hợp với Sở Công thương và các sở, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung quy chế CCN cho phù hợp để quản lý, hoạt động hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN