Độc đáo ngôi nhà làm từ 4.000 cây dừa, tiêu tốn hết hơn 6 tỷ đồng của chủ nhân và mất 10 năm để hoàn thiện

Toàn bộ 4.000 cây dừa được sử dụng để dựng nhà đều có tuổi đời từ 80 - 100 năm.

Tình yêu đặc biệt với cây dừa

Ngôi nhà độc đáo làm bằng dừa của vợ chồng ông Dương Văn Thưởng và bà Nguyễn Ngọc Giác nằm trên cù lao An Bình, thuộc ấp Hòa Quý, xã Hòa Ninh, được xây dựng trên diện tích 8ha.

Sinh ra ở miền Tây sông nước, từ nhỏ, vợ chồng ông Thưởng đã gắn bó với những hàng dừa thân thuộc. Chính từ tình yêu với cây dừa, gia đình ông Thưởng đã ấp ủ ý tưởng xây dựng một ngôi nhà truyền thống Nam Bộ từ chất liệu gỗ dừa quen thuộc của quê hương.

Hình ảnh bên ngoài ngôi nhà dừa nổi tiếng ở Vĩnh Long. Ảnh: VnE

Ông Thưởng chia sẻ: "Cây dừa có ý nghĩa rất lớn với người Việt Nam. Con gái tôi cũng rất yêu thích cây dừa và mong muốn có một ngôi nhà với điểm nhấn đặc trưng của vùng sông nước. Vì vậy, gia đình tôi quyết định thực hiện ý tưởng xây dựng một căn nhà bằng gỗ dừa, 2 gian 3 chái, theo kiểu truyền thống của ông bà ta".

Theo ông Thưởng, cây dừa không chỉ gần gũi với người dân miền Tây mà còn có công dụng đa năng. "Tất cả các bộ phận của cây dừa đều có thể sử dụng. Từ nhà cửa, nội thất đến vật dụng trong nhà đều có thể làm từ gỗ dừa, nhưng giá trị của nó chưa được khai thác hết và cũng chưa ai đủ tâm huyết để nâng tầm cây dừa. Tôi muốn biến điều khó khăn đó thành hiện thực", ông nói thêm.

Ý tưởng xây dựng một căn nhà bằng gỗ dừa, 2 gian 3 chái, theo kiểu truyền thống đã được thực hiện. Ảnh: VnE

Dù cây dừa rất thân quen với người dân miền Tây, việc lấy gỗ dừa để làm nhà lại khá hiếm. Gỗ dừa có đặc tính đặc biệt, với nhiều thớ đan kết vào nhau tạo thành lớp, chỉ khi cây dừa đạt từ 30 năm tuổi trở lên mới có thể sử dụng. Đặc biệt, để làm cột nhà, cây dừa cần phải từ 60 đến 70 năm tuổi mới đạt đủ độ cứng và bền. Chính vì vậy, nhiều người thường ngại dùng loại vật liệu này trong xây dựng.

Bà Nguyễn Ngọc Giác, vợ ông Thưởng, cho biết: "Thông thường, người ta thường làm cột nhà bằng gỗ căm xe hoặc gỗ đen, còn gỗ dừa thì ít khi được sử dụng. Tuy nhiên, nếu biết chọn những cây dừa đủ tuổi, độ bền của nó không hề thua kém gỗ căm xe ngày xưa, thậm chí có thể bền đến cả 100 năm".

Toàn bộ các vật dụng, đồ dùng trong nhà đều được làm từ cây dừa. Ảnh: VnE

Mất 10 năm để hoàn thiện

Năm 2009, sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, cả gia đình ông Thưởng bắt đầu lên ý tưởng xây dựng ngôi nhà. Họ đã quyết định quy hoạch khu đất rộng gần 5.000m² để trồng cây dừa theo hàng lối, tạo nên cảnh quan đẹp mắt xung quanh nhà.

Ngôi nhà đã được hoàn thiện sau 10 năm ấp ủ, lên ý tưởng và thực hiện. Ảnh: VnE

Sau 5 năm, khi cây dừa bắt đầu cho trái, gia đình ông Thưởng mới tiến hành xây dựng ngôi nhà. Đến năm 2017, sau khi đã chuẩn bị đủ các yếu tố cần thiết, ông mời những nghệ nhân có tiếng và thợ lành nghề về để xây dựng. Quá trình hoàn thiện ngôi nhà kéo dài hơn 2 năm.

“Để có được căn nhà làm từ 100% gỗ dừa như hôm nay, gia đình tôi đã mất khoảng 10 năm để lên ý tưởng và hoàn thiện. Chúng tôi phải lặn lội khắp các tỉnh miền Tây để tìm mua những cây dừa lão đã hết cho trái, với tuổi đời từ 80-100 năm, chủ yếu ở tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long,” ông Thưởng chia sẻ.

Quá trình hoàn thiện ngôi nhà kéo dài hơn 2 năm. Ảnh: VnE

Ông Thưởng cho biết, thông thường, khi chọn được những cây dừa đúng độ tuổi, người ta sẽ cho ngâm ao từ 4-6 tháng để xử lý, sau đó vớt lên chờ khô. Tuy nhiên, do cách này mất nhiều thời gian và gia đình không có đủ ao ngâm, ông đã chọn cách phơi hoặc sấy thật khô rồi xử lý mối mọt.

Việc tìm thợ xây dựng cũng là một quá trình công phu vì gỗ dừa lão rất cứng, có nhiều dằm nên rất khó bào. Gia đình ông đã phải tuyển chọn thợ giỏi từ khắp các vùng, với tổng cộng 30 thợ tham gia thi công ngôi nhà dừa, mỗi người đều có tay nghề và bí quyết riêng.

Khu đất rộng gần 5.000m² để trồng cây dừa theo hàng lối, tạo nên cảnh quan đẹp mắt xung quanh nhà. Ảnh: VnE

Điểm nhấn của căn nhà là thiết kế theo kiểu Nam Bộ truyền thống với 3 gian 2 chái. Từ kèo, cột, vách đến nội ngoại thất và vật dụng đều làm bằng gỗ dừa, tạo nên nét vô cùng độc đáo. Bộ tượng Phúc-Lộc-Thọ và Phật Di Lặc được chế tác từ gỗ dừa, tủ thờ, bộ trường kỷ, hoành phi, liễn, đối... cho đến bàn ghế, đèn trang trí, màn cửa, tranh ảnh, bộ tách trà... đều được gia công tỉ mỉ. Những miếng gáo dừa với màu sắc không đồng đều được thợ ép phẳng, phối màu và kết dán với nhau vô cùng tinh xảo, tạo nên sự hài hòa và nổi bật cho ngôi nhà.

Để hoàn thành quần thể độc đáo này, cần khoảng 4.000 cây dừa mới đáp ứng đủ yêu cầu. Tổng chi phí xây dựng khu nhà dừa lên đến gần 6 tỷ đồng. Sau 10 năm ấp ủ ý tưởng và hiện thực hóa khát khao, tình yêu sâu sắc của ông Thưởng dành cho cây dừa thật sự khiến nhiều người nể phục.

Ngôi nhà thu hút đông du khách đến tham quan trải nghiệm. Ảnh: VnE

Ngôi nhà dừa tuy giản dị nhưng để lại ấn tượng đặc biệt đối với nhiều du khách mỗi khi có dịp ghé thăm. Công trình này không chỉ tôn vinh giá trị của cây dừa - mộc mạc, dễ tìm mà còn thể hiện vẻ đẹp sang trọng không kém phần tinh tế.

Hiện nay, khu nhà dừa đã mở cửa đón khách tham quan và cung cấp dịch vụ lưu trú. Mỗi ngày, nơi đây thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan và trải nghiệm ẩm thực, tận hưởng không khí mát mẻ của xứ cù lao. Giá vé tham quan nhà dừa là 20.000 đồng mỗi người. Ngoài ra, chủ nhà cũng cung cấp dịch vụ lưu trú với phòng nghỉ qua đêm, giá từ 600.000 đến 1.000.000 đồng.