Độc đáo cây cổ thụ hơn 300 tuổi có tới 13 gốc, tán rộng bao trùm cả nghìn mét vuông

Năm 2014, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã chính thức công nhận cây đa 13 gốc là "Cây di sản Việt Nam".

Nhắc đến làng quê Việt Nam, không thể không nhắc đến hình ảnh cây đa cổ thụ sừng sững hiên ngang giữa trời, là nơi che chở cho bao thế hệ người dân và là biểu tượng cho sự trường tồn của làng quê. Tại xóm Trại, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, có một cây đa mang giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt, thu hút du khách bởi vẻ đẹp độc đáo và những câu chuyện bí ẩn.

Cây đa 13 gốc, tên gọi khác là cây đa chùa Soi, sở hữu tán cây khổng lồ bao trùm cả một khu vực rộng lớn lên đến cả nghìn mét vuông, tạo nên bóng râm mát rượi cho cả một góc làng. Tọa lạc cạnh giếng nước và đình làng, cây đa góp phần tạo nên khung cảnh làng quê Bắc Bộ bình dị, mộc mạc với "cây đa, giếng nước, sân đình" - hình ảnh quen thuộc gắn liền với tuổi thơ của biết bao người.

Với 13 gốc lớn nhỏ, mọc đan xen nhau một cách độc đáo, cây đa 13 gốc được vinh danh là cây đa nhiều gốc nhất và lớn nhất Việt Nam

Với 13 gốc lớn nhỏ, mọc đan xen nhau một cách độc đáo, cây đa 13 gốc được vinh danh là cây đa nhiều gốc nhất và lớn nhất Việt Nam. Theo ghi nhận, cây cao khoảng 10m, sở hữu 1 gốc chính và 12 gốc phụ. Gốc chính có chu vi 8,2m, tương đương 4-5 người ôm mới xuể, to lớn đến mức khiến du khách phải trầm trồ kinh ngạc. Mười hai gốc phụ mọc xung quanh, với chu vi từ 2 đến 5m, cũng đủ lớn để 2-3 người ôm trọn. Tổng chu vi của 13 gốc lên đến hơn 30m, tạo nên một hình ảnh vô cùng ấn tượng. Các gốc được nối với nhau bằng những cành cây to lớn có đường kính gần 1m, đan xen nhau một cách kỳ ảo, tạo nên một vòm lá rộng lớn che chở cho cả một khu vực.

Người dân xóm Trại cho hay, càng ngày những cành đa càng vươn dài ra xa. Cây đa có nhiều gốc nên các cành cây nằm ở vị trí khá sát mặt đất và không bị đổ, gãy. Do tán lá tỏa ra bốn phía, từ xa nhìn lại cây đa 13 gốc trông như một mâm xôi khổng lồ. Cây đa 13 gốc cũng là nơi ở của nhiều loài chim chóc, quanh năm đều nghe tiếng chim hót líu lo. Họ cũng thường lấy lá đa khô đem về đun.

Bao quanh cây đa 13 gốc là những câu chuyện truyền thuyết ly kỳ, mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa. Theo một truyền thuyết, trong trận chiến chống quân Nam Hán xâm lược, Hai Bà Trưng đã dừng chân nghỉ ngơi dưới gốc đa cổ thụ này. Do voi chiến quá đói, đã dùng vòi bẻ ngọn đa để ăn. Kể từ đó, cây đa chỉ phát triển về chiều ngang mà không cao thêm được nữa, tạo nên hình dáng độc đáo với tán lá rộng lớn che mát cả một góc làng.

Bao quanh cây đa 13 gốc là những câu chuyện truyền thuyết ly kỳ, mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa

Một truyền thuyết khác lại kể về một vị tướng thời xưa trên đường đi đánh giặc đã dừng chân bên gốc đa và buộc ngựa vào cây khiến ngọn cây bị gãy. Do mất ngọn, cây đa bị hạn chế về chiều cao, tạo nên hình thù đặc biệt như hiện nay.

Trong quan niệm của người Việt, những cây đa cổ thụ thường được xem là nơi trú ngụ của các vị thần linh thiêng. Do vậy, dưới gốc đa 13 gốc, người dân đã lập miếu thờ để thể hiện lòng thành kính và cầu mong bình an, may mắn. Theo ông Phạm Đức Thiết - Trưởng ban Quản lý cảnh quan cây đa 13 gốc, miếu thờ dưới gốc đa được dân làng thờ đức Thổ Vượng - vị thần trấn giữ làng Trại xưa, cùng với các vị quan, cô và cậu.

Dưới gốc đa 13 gốc, người dân đã lập miếu thờ để thể hiện lòng thành kính và cầu mong bình an, may mắn

Hơn 300 năm tồn tại, cây đa 13 gốc được xem là minh chứng cho sức sống mãnh liệt và sự trường tồn của văn hóa làng quê Việt Nam. Năm 2011, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã xác định cây đa có tuổi đời 304 năm. Nhận thức được giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và môi trường, năm 2014, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã chính thức công nhận cây đa 13 gốc là "Cây di sản Việt Nam".

Cây đa cổ thụ không chỉ là biểu tượng văn hóa và tâm linh của người dân địa phương mà còn là điểm đến thu hút du khách bởi vẻ đẹp độc đáo và những câu chuyện truyền thuyết ly kỳ. Du khách đến đây có thể tham quan, dâng hương tại miếu thờ, lưu lại những bức ảnh kỷ niệm và hòa mình vào không gian yên bình, thanh tịnh của làng quê Việt Nam.

Ảnh: Báo Lao Động