Độc đáo cây cầu hình thuyền nan úp ngược, vừa là nơi đi lại, vừa là nơi thờ tự của nhân dân làng cổ Hà Nội

Mặc dù không còn được sử dụng cho việc đi lại hàng ngày, cây cầu vẫn giữ được giá trị văn hóa và tâm linh quan trọng đối với người dân địa phương.

Cầu Khum nằm ở phía đông của làng Yên (xã Thạch Xá, Thạch Thất, TP Hà Nội), tiếp giáp với trục đường giao thông liên xã Thạch Xá - Hữu Bằng, ở vị trí đối diện với đền Đỗng Hoa. Xưa cầu bắc qua một ngòi nước chảy từ Hương Ngải, Canh Nậu, đồng Bùi ra sông Tích, nước chảy ào ạt quanh năm.

Cầu Khum bắc qua ngòi nước chảy từ Hương Ngải, Canh Nậu, đồng Bùi ra sông Tích, là nơi linh thiêng của làng Yên.

Không ai rõ được Cầu Khum đã tồn tại từ bao giờ, chỉ biết cây cầu có từ rất lâu đời. Một vài thông tin còn sót lại là vào năm 1935, cây cầu đã bị hư hỏng nặng và ngay trong năm đó. Năm 1948, giặc Pháp càn quét qua, đốt cầu, dân làng đến dập lửa cứu chữa, các vết cháy xám đen còn lại đến nay.

Đây là cây cầu làm kiểu "thượng gia, hạ kiều" tức là trên là nhà, dưới là cầu - kiểu kiến trúc cổ đặc trưng của người Việt xưa. Nhìn từ xa, cầu giống như một chiếc thuyền nan úp nên được gọi là cầu Khum.

Cầu có phần thượng gia dài trên 12m, chia làm 5 gian, 2 dĩ, gian giữa dài 3,5m, các gian biên dài 2m. Chiều ngang các vì kèo không bằng nhau, gian giữa rộng khoảng 5,5m, các gian biên thu hẹp dần ra 2 đầu nhà. Hai đầu chỉ rộng khoảng 4m, gian giữa cao, thấp dần ra 2 đầu hồi.

Nhà thượng gia cầu Khum là nơi thờ thần linh.

Nhà thượng gia được làm bằng gỗ tứ thiết, có 2 hàng cột cái, 2 hàng cột quân. Các vì liên kết bằng kèo suốt, có câu nối 2 ngọn kèo, xà nách nối cột cái với cột con. Hai bên sườn gian giữa bịt kín làm ban thờ Quan Thần Linh, hai gian biên để trống làm sạp gỗ. Cầu Khum mang một nét đẹp đặc trưng của vùng nông thôn của Đồng bằng Bắc Bộ với phần mái ngói được lợp vẩy cá.

Nơi đây mang một nét đẹp đặc trưng của vùng nông thôn của Đồng bằng Bắc Bộ.

Theo tập “Di sản văn hóa làng Yên”, gian giữa của cầu là gian thờ thần linh. Trên bức hoành phi ghi 3 chữ “Kính như tại”, nghĩa là kính thần như thấy thần tại đây. Hai bên có 2 câu đối làm bằng gỗ có khắc chữ: “Hùng trấn nhất phương tư địa mạch/Mạc phù hạp hảnh gián xuân phong”, có nghĩa là "thần trấn giữ nơi này, mang lại điều tốt lành cho dân".

Không gian bên trong thượng gia.

Dưới thượng gia là hạ kiều có 3 cống được cuốn bằng đá ong, đẽo múi cam, rất chắc khỏe. Mùa nước thấp, cống giữa rộng gần 3m nên thuyền nhỏ có thể qua được.

Ngày xưa, cầu Khum chính là lối đi lại chính, dân làng gánh gồng đi qua, toàn bộ hoạt động sản xuất, sinh hoạt, thông thương của dân làng đều đi qua cây cầu này. Về sau, đời sống người dân phát triển hơn, bắt đầu có xe cộ đi lại, cảm thấy con đường không còn phù hợp nữa, họ mới bắt đầu làm đường ngoài.

Cầu Khum vẫn là di sản kiến trúc - giao thông được người dân làng Yên giữ gìn.

Hiện nay, gian giữa của cầu Khum đã trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa, phục vụ tín ngưỡng cho người dân trong xã nói riêng và các xã lân cận nói chung. Lệ làng vào ngày 20/2 và 20/8 âm lịch hàng năm, dân làng Yên lại tổ chức lễ rước, dâng hương long trọng từ cầu vào làng vừa để bày tỏ lòng thành kính với các vị thần linh vừa để cầu chúc cho quốc thái dân an, dân làng làm ăn thuận chèo mát mái.

Theo sử sách chép lại, mảnh đất xứ Đoài xưa kia có 5 cây cầu xây dựng theo kiểu "thượng gia hạ kiều": 1 cây cầu ở Đường Lâm bắc qua một nhánh của sông Tích; 2 cây cầu Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều ở chùa Thầy (Quốc Oai) và 2 cây cầu ở khu vực Tam thôn (Thạch Thất). Đến nay chỉ còn lại cầu Khum và 2 cây cầu ở chùa Thầy. Đây là những công trình kiến trúc rất độc đáo cần được gìn giữ và bảo tồn nhằm làm phong phú thêm vẻ đẹp văn hóa lịch sử của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.