Theo dự kiến của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, giá trị xuất khẩu của cả năm 2020 sẽ cán mốc gần 12,5 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, mặc dù tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế chịu ảnh hướng không nhỏ từ dịch Covid-19 nhưng ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của nước ta vẫn đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của nước ta trong năm 2020, góp phần duy trì đà phát triển xuất khẩu trong bối cảnh trong nước và quốc tế đều gặp khó khăn.
Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho rằng ngành gỗ Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 do đó, không chỉ vẫn duy trì được năng lực xuất khẩu mà còn có thể lấp được vào chỗ trống do ngành gỗ ở nhiều nước bị gián đoạn sản xuất bởi dịch bệnh.
Cùng với đó là việc các doanh nghiêp xuất khẩu gỗ đã nhanh chóng thích ứng được với tình hình mới, điều này đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng tốt của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm qua. Điều này cũng giúp nhiều doanh nghiệp gỗ đạt kết quả kinh doanh khả quan.
Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của nước ta vẫn đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của nước ta trong năm 2020. Ảnh:C.T
Đầu tiên phải kể đến, Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT), theo báo cáo tài chính năm 2020, ghi nhận doanh thu đạt 403 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng, lần lượt tăng 16,6% và 7% so với thực hiện trong năm 2019. Với mục tiêu doanh thu năm 2020 đạt 394 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng, doanh nghiệp hoàn thành vượt kế hoạch doanh thu đã đề ra trước đó.
Công ty cũng cho biết đã nhận được nhiều đơn hàng cho năm sau, với tổng giá trị khoảng 3,7 triệu USD tăng 130% so với cùng kỳ, ước đạt 25% kế hoạch cả năm 2021.
Tại Việt Nam, Gỗ Đức Thành là một trong những doanh nghiệp sản xuất đồ dùng nhà bếp lớn, với 68% thị trường xuất khẩu chính là châu Á, phần lớn là Hàn Quốc và Nhật Bản. Thị phần các sản phẩm đồ dùng nhà bếp và bộ đồ ăn bằng gỗ của Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc chứng kiến tăng đều qua các năm.
Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, ngoài thị trường châu Á, Gỗ Đức Thành có cơ hội thâm nhập sâu vào các thị trường trong khối CPTPP và Liên minh châu Âu (EU) sau khi các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi lâm luật, quản trị rừng, và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) có hiệu lực.
Tương tự, một doanh nghiệp khác cũng báo lãi quý 4/2020 tăng trưởng mạnh là Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Thuận An (GTA). Theo báo cáo tài chính quý 4/2020 của GTA, doanh thu thuần đạt gần 144 tỷ đồng, giảm 1,7% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt gần 6,3 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2019. Kết thúc năm 2020, tổng doanh thu thuần đạt 568,2 tỷ đồng, giảm 14,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 18,3 tỉ đồng, tương đương mức lãi thu về của năm ngoái.
Với Công ty Cổ phần Phú Tài (PTB), kết quả kinh doanh mảng gỗ cũng là điểm sáng của doanh nghiệp trong năm 2020 khi doanh nghiệp này đã vượt 10% kế hoạch doanh thu thì gỗ đóng góp hơn 50%. Cụ thể, kết thúc năm 2020, Phú Tài đạt 5.661 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng nhẹ 2% so với năm 2019.
Trong đó, mảng gỗ đạt 3.010 tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch và chiếm 53% cơ cấu doanh thu. Lợi nhuận trước thuế của mảng gỗ là 223 tỷ đồng, vượt 27% so với kế hoạch, chiếm hơn 48% tổng lãi ròng của PTB.