Do tác động của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp xây dựng gặp rất nhiều khó khăn như đứt gãy chuỗi cung ứng, hoạt động bị ngưng trệ, dự án dừng thi công… Tại nhiều địa phương như: Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… các doanh nghiệp bất động sản đã phải tạm dừng hoạt động trong khoảng thời gian khá dài nên hầu như các dự án đều bị ngưng trệ. Trong quý 3, không có dự án mới nào được hoàn thành và mở bán. Các sản phẩm bất động sản chào bán trên thị trường chủ yếu là nguồn cung từ giai đoạn trước.
Cùng với những khó khăn trên, theo Bộ Xây dựng, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao khiến giá đầu vào của các dự án bất động sản tăng nhanh. Có thời điểm, giá sắt thép đã tăng xấp xỉ 30-40% so với cuối năm 2020, giá xi măng tăng 3-5% ... Từ đó, làm tăng giá bán của hầu hết các loại hình, phân khúc bất động sản và càng làm tăng thêm khó khăn đối với công tác giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng có thu nhập thấp.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, hiện nay dịch bùng phát ở hầu hết các quốc gia, nên các vật tư, vật liệu phải nhập khẩu đang có nguy cơ thiếu hụt, tăng giá, kéo dài thời gian giao nhận hàng. Bên cạnh đó, việc hạn chế đi lại, thông quan hàng hóa tại các quốc gia cũng dẫn đến thời gian lưu kho bãi đối với hàng hóa xuất khẩu kéo dài, nhân công bốc xếp, vận tải hàng hóa bị đình trệ, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của đơn vị sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng.
Tại một số tỉnh, thành phố có số ca nhiễm lớn, do vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng, thiết bị vật tư… không phải là các dịch vụ thiết yếu nên không thể vận chuyển đến công trường. Bên cạnh đó, đặc thù của ngành xây dựng là nơi làm việc không cố định, công nhân xây dựng đến từ nhiều địa phương khác nhau. Vì vậy, khi dịch hoành hành thì một số lượng lớn công nhân đã về quê nên không đủ nguồn nhân lực cho công trường.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), những biến động về giá vật liệu năm 2021 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất, kinh doanh của các nhà thầu. Qua số liệu của một số doanh nghiệp lớn trong ngành như Delta, Fecon, Vinaconex thì dù rất cố gắng, nỗ lực để lấy lại thời gian đã mất do giãn cách, nhưng hầu hết chỉ đạt khoảng 75 - 80% chỉ tiêu kế hoạch về doanh thu, giá trị sản lượng của năm 2021. Có những đơn vị sụt giảm nhiều, doanh số xây lắp năm 2021 chỉ bằng 50 - 60% của năm 2020. Các nhà thầu khó tìm việc, nhưng nhiều nhà thầu còn không dám nhận việc vì không có biện pháp đối phó với bão giá.
Chủ tịch VACC cũng cho biết, cần có biện pháp cụ thể để giúp nhà thầu chống đỡ với cơn bão giá vật liệu xây dựng. Trong đó, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra việc thông báo cập nhật đơn giá của các địa phương để giảm thiểu thiệt hại cho nhà thầu vì việc công bố thường chậm và lạc hậu so với đơn giá thực tế, có nơi thấp hơn đến 10%. Một số vật liệu không có nguồn gốc nước ngoài nhưng vẫn bị tăng giá, cần tìm ra nguyên nhân và có hướng xử lý cụ thể. Ngoài ra, Bộ Xây Dựng cũng cần có giải pháp tháo gỡ cho các hợp đồng trọn gói, hợp đồng đơn giá cố định chịu tác động tăng giá quá lớn thời gian qua và chỉ áp dụng hợp đồng thi công xây lắp theo đơn giá cố định hoặc hợp đồng trọn gói nếu thời gian thực hiện không quá 24 tháng.
Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam cho rằng, các quy định pháp luật hiện nay về sự cố bất khả kháng chưa rõ ràng, không đầy đủ biện pháp giải quyết như nhiều nước trên thế giới; các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, rủi ro hợp đồng… không có trường hợp “dịch bệnh” như COVID-19. Vì vậy, nếu không quy định bổ sung hoặc hướng dẫn sẽ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân khi xem xét giải quyết vấn đề này, nhất là đối với loại hợp đồng trọn gói, theo đơn giá cố định.
Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam đề nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung, chi phí liên quan công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh như COVID-19 (nếu có), chi phí chuyên gia tư vấn, nhân công do tạm ngừng công việc cho các bên tham gia dự án vào chi phí trực tiếp hoặc chi phí chung trong phương pháp tính dự toán xây dựng, thanh toán hợp đồng xây dựng. Đồng thời, cần có hướng dẫn về việc bổ sung chi phí trực tiếp (vật liệu, nhân công) tại các dự án, công trình xây dựng bị ảnh hưởng của dịch bệnh và đang đối mặt với việc tăng giá đầu vào quá lớn; điều chỉnh thời hạn hoàn thành công trình chịu ảnh hưởng của COVID-19 (nếu có) nhằm tránh cho nhà thầu xây dựng, nhà thầu tư vấn xây dựng bị phạt hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại...
Do dịch bệnh, mạch tài chính bị đứt gãy cộng với việc siết chặt tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước khiến nhiều chủ đầu tư bị tắc dòng tiền, không vay được ngân hàng để thanh toán. Có những nhà thầu đang bị chủ đầu tư nợ tới vài ngàn tỷ đồng. Nhiều nhà thầu đứng trước nguy cơ phá sản, càng làm càng lún sâu vào công nợ.
Trước tình hình trên, nhằm thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và biến động của giá thép đến các hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã có Văn bản gửi các cơ quan liên quan và các địa phương đề nghị: UBND cấp tỉnh chỉ đạo các sở xây dựng thường xuyên theo dõi kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp; các cơ quan liên quan đánh giá tác động của COVID-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu là thép xây dựng.
Bộ Xây dựng đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng. Hiện Bộ Xây dựng đang tổng hợp thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng. Đồng thời thành lập tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).