Doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng trước xu thế chuyển đổi số

(CL&CS) - Năm 2020 bắt đầu, các tổ chức, doanh nghiệp cùng với những kỳ vọng về một thập niên mới, những khởi đầu mới đi kèm những kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo, bỗng chốc mọi thứ bị xáo trộn bởi một sự kiện lịch sử mang tên đại dịch Covid-19. Đại dịch đã tác động và để lại những hệ lụy nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên một mặt khác, Covid đã tạo ra những cơ hội cho một nền ‘kinh tế mới’.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay. Ảnh minh họa

Kinh tế số trở thành một xu thế tất yếu đối với các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tầm nhìn Việt Nam trở thành quốc gia số, trong đó bao gồm các mục tiêu phát triển: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).

Vấn đề chuyển đổi số đã được đặt ra, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu thực hiện tuy nhiên sự thành công của chuyển đổi số, công nghệ không phải là yếu tố quyết định. Để quyết định chuyển đổi số thành công hay không, đầu tiên phải đến từ ban lãnh đạo, tiếp đến chính là yếu tố văn hóa của doanh nghiệp, thói quen, hay nói theo một cách khác: Chuyển đổi số xác định con người chính là trung tâm.

Trong suốt giai đoạn cách ly xã hội, hành vi của toàn xã hội thay đổi một cách đột ngột và sau đại dịch, nhiều chuyên gia cho rằng hành vi người tiêu dùng cũng sẽ không còn như trước. Để trở về điểm cân bằng của một trạng thái “new normal" đòi hỏi một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, tiết giảm chi phí và tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn hiện tại. 

Nếu trước đây, chuyển đổi số là một quá trình có thể kéo dài từ 3-5 năm, tuy nhiên sau đại dịch, quá trình này có thể sẽ được rút ngắn một cách cấp thiết nhất có thể. Đại dịch Covid-19 xét theo một góc độ tích cực, nó đã và đang thúc đẩy sự tái phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và quy trình làm việc theo hướng chuyển sang mô hình online và công nghệ hóa, buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước.

Việc chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big data), Công nghệ Cloud, Blockchain và IoT,... được xem là chìa khóa để mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp. Những công nghệ này được ứng dụng nhằm tăng cường hiệu quả vận hành, quản lý; tối ưu hóa dịch vụ và sản phẩm; tiếp cận người dùng chính xác hơn… 

TIN LIÊN QUAN