Doanh nghiệp thủy sản tập trung đẩy mạnh xuất khẩu

(CL&CS)- Thời gian tới, các doanh nghiệp thủy sản nên đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Xuất khẩu thủy sản khả quan

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 4 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ và đạt 47,1% kế hoạch năm.

Một số mặt hàng chủ lực, điển hình như tôm Việt Nam đang đứng đầu thị phần ở nhiều thị trường lớn, cạnh tranh với các mặt hàng tôm từ Ấn Độ, Indonesia, Ecuador. Cá tra tăng 18%, cá ngừ tăng 20%, các mặt hàng hàu, nghêu ngao mặc dù kim ngạch nhỏ nhưng mức tăng trưởng lên tới 45%…

Các thị trường tăng trưởng lớn nhất so với cùng thời điểm tháng 6 năm ngoái là thị trường Nga tăng 61%, thị trường chính là Mỹ tăng 37%, thị trường Châu Âu tăng 31%, khối CPTPP tăng 12%, duy có Trung Quốc giảm 6%.

Với kết quả này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đánh giá, mặc dù dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu nhưng kết quả xuất khẩu thời gian qua rất tích cực. Một số mặt hàng chủ lực, điển hình như tôm Việt Nam đang đứng đầu thị phần ở nhiều thị trường. Thị trường Nga có sự tăng trưởng mạnh nhất với 61% và hầu hết các mặt hàng tăng trưởng khá.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, đại dịch Covid-19 khó khăn nhưng cũng là tiền đề để ngành nông nghiệp nước nhà vươn lên. Những chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy chính là điều kiện thuận lợi để Việt Nam nắm bắt cơ hội và thời cơ.

Ông Tiến dẫn chứng, hiện nay, tại Ấn Độ cũng như một số quốc gia khác có ngành tôm phát triển đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong khi đó, sản phẩm tôm của Việt Nam được đánh giá có năng suất chất lượng tương đối tốt. Thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam đã được mở rộng trong thời gian gần đây.

Trước đây, Trung Quốc là thị trường trọng điểm cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thì đối với thủy sản, cần khẳng định Trung Quốc là một thị trường lớn. Việt Nam phải nhận thức rõ hơn những yêu cầu của thị trường này. Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc là thị trường dễ tính thế nhưng hiện nay, với một xã hội khá giả, thị trường 1,4 tỷ dân đòi hỏi những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn rất rõ ràng.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, vấn đề an toàn thực phẩm của một đất nước phát triển phải được thực hiện một cách bài bản và căn cơ. Vì vậy truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang là yêu cầu của tất cả các thị trường hiện nay.

Các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Doanh nghiệp thủy sản cần nâng cao chất lượng sản phẩm

Tình hình xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm đang ghi nhận kết quả khá tích cực, tuy nhiên hoạt động này cũng lại gặp không ít "rào cản", đơn cử như cảnh báo "thẻ vàng" về quy định khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu vẫn chưa được gỡ bỏ, tiếp tục tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng nhưng doanh nghiệp không có nhiều lợi nhuận. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nam cho biết: Khi dịch Covid-19 xảy ra, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhu cầu sụt giảm và thay đổi.., có tới 20-40% đơn hàng đã ký hợp đồng bị hủy, đơn hàng đã giao thì bị chậm thanh toán dẫn đến việc doanh nghiệp thiếu vốn quay vòng trong đầu tư.

Trước những khó khăn này, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, thời gian tới, nhu cầu về sản phẩm thủy sản tươi sống tiếp tục giảm, thay vào đó, các thị trường hướng tới những sản phẩm đóng hộp, hàng khô, hàng bảo quản... với giá cả phù hợp cho việc tiêu thụ tại các kênh bán lẻ.

Các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chế biến thủy sản, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm đóng hộp...; đồng thời, dự trữ nguyên liệu, kết nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, các địa phương tăng cường giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản; hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất… Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu giám sát an toàn thực phẩm của thị trường; đồng thời, xây dựng thương hiệu các mặt hàng thủy sản Việt Nam nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, thủy sản là một trong những trụ cột đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp, có tính chất quyết định thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ giao. Lưu ý về việc phát triển ngành tôm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD.

TIN LIÊN QUAN